Đồng Bitcoin phổ biến và nổi bật nhất trên thế giới, giá trị của Bitcoin hiện tại cực kỳ cao và là đề tài thu hút được sự quan tâm của mọi người khi nhắc về tiền ảo.
Bitcoin là gì?
Bitcoin (₿, BTC hoặc XBT) là một loại tiền mã hóa phổ biến nhất trên thị trường hiện nay được phát minh dưới dạng phần mềm mã nguồn mở bởi một nhân vật bí ẩn hoặc một tổ chức tự xưng danh Satoshi Nakamoto. Từ năm 2009, Bitcoin trao đổi trực tiếp bằng thiết bị kết nối Internet mà không cần thông qua bất kỳ một tổ chức tài chính trung gian nào. Bitcoin là đồng tiền mã hóa đầu tiên xuất hiện trên thế giới, khởi đầu cho sự phát triển của thị trường crypto.

Xu hướng thanh toán bằng Bitcoin là mong muốn của các doanh nghiệp nhằm giảm thiểu chi phí tối đa nhất. Vào tháng 2 năm 2021, Bitcoin được định giá hơn 1,2 nghìn tỷ đô la Mỹ và trở thành loại tiền mã hóa có giá trị thị trường lớn nhất trên thế giới cho đến hiện tại. Đơn vị của Bitcoin được đặt theo tên của nhà sáng lập Satoshi. Mỗi bitcoin có thể được chia nhỏ tới 100 triệu đơn vị nhỏ hơn.
- 1 BTC = 100.000.000 satoshi
- 0,001 BTC = 1 mBTC (millibit)
- 0,000001 BTC = 1 μBTC (bit)
Sự ra đời của tiền mã hóa Bitcoin
Vào năm 2007, Bitcoin được Satoshi thiết kế vì ông tin rằng có thể tạo một hệ thống giao dịch mà các thành viên không cần tin tưởng nhau. Vào ngày 18 tháng 8 năm 2008, tên miền bitcoin.org chính thức được đăng ký.

Lần đầu tiên Bitcoin được nhắc đến trong bản cáo bạch về giao thức thanh toán ngang hàng vào ngày 31 tháng 10 năm 2008 của một hoặc một nhóm lập trình viên tự xưng danh là Satoshi Nakamoto. Khối Bitcoin khởi thủy ra đời và chính thức được đưa vào sử dụng từ ngày 3 tháng 1 năm 2009. Ngày 12 tháng 1 năm 2009, giao dịch đầu tiên của Bitcoin được thực hiện khi Satoshi Nakamoto gửi 10 bitcoin cho nhà mật mã học Hal Finney.
Cách thức vận hành của Bitcoin
Bitcoin được hình thành và vận hành dựa trên các yếu tố sau:
1. Blockchain
Blockchain là một cuốn sổ cái ghi lại toàn bộ các giao dịch mà không cần nhờ đến bên trung gian thứ ba. Cơ sở dữ liệu phân tán vô chủ của blockchain giúp việc kiểm toán các máy tính bằng cách liên tục thực hiện xác minh dữ liệu và so sánh chữ ký của giao dịch đó nhằm chống lại sự thay đổi của dữ liệu, phân cấp lưu trữ thông tin trong các khối được liên kết với nhau bằng mã hóa và mở rộng theo thời gian. Vì vậy, một khi dữ liệu đã được ghi nhận bởi mạng lưới thì người dùng sẽ không có cách nào thay đổi được nó. Mạng lưới máy tính trên thế giới liên tục cập nhập và bảo trì dữ liệu trong cuốn sổ cái này.

a. Giao dịch
Mỗi giao dịch bao gồm:
- Đầu vào: là đầu ra trong giao dịch cũ của số Bitcoin trước đó.
- Đầu ra: chứa thông tin giao dịch.
- Script: chứa các điều kiện giao dịch.
Đoạn script là một chương trình Turing complete tránh vòng lặp vô hạn và được viết bằng ngôn ngữ riêng do Satoshi thiết kế, tương tự như ngôn ngữ Forth nhưng tối giản hơn. Chức năng của script trong giao dịch là tích hợp các tính năng nâng cao như hợp đồng thông minh hoặc chỉ thanh toán nếu 2 trên 3 bên đồng ý với thỏa thuận. Mạng lưới chỉ chấp nhận giao dịch khi scriptSig và scriptPubKey kết hợp trong cùng chương trình đó, trả về giá trị true và tổng giá trị đầu ra không cao hơn tổng giá trị đầu vào. Phí giao dịch trả cho mạng lưới là sự chênh lệch giữa 2 đầu ra và vào.
Bitcoin ATM (BTM) là cách giao dịch trên Internet cho phép người dùng trao đổi Bitcoin và tiền mặt. Hiện nay, BTM trở nên khá thông dụng ở một số nước trên thế giới với mục đích chuyển, rút và nạp tiền bitcoin ở các sàn tiền ảo. Cuối năm 2016, đã có hơn 800 máy BTM trên toàn cầu, hơn 500 máy tại Mỹ, các máy còn lại rải rác khắp thế giới. Trong đó, tại Việt Nam có 4 máy BTM, 3 cái ở thành phố Hồ Chí Minh và 1 cái tại thủ đô Hà Nội.
b. Bảo mật
Hệ thống Bitcoin phụ thuộc vào khả năng xử lý (hashing power) của toàn bộ mạng lưới blockchain để đảm bảo độ an toàn. Bên cạnh đó, nó còn chống lại các nguy cơ phá hoại, xâm nhập bất hợp pháp đồng thời đem lại niềm tin và giá trị cho Bitcoin. Giao thức Bitcoin tới nay chưa ghi nhận lỗ hổng bảo mật nào để làm mất Bitcoin của người dùng mà không cần đến khóa riêng tư.
c. Lightning Network
Để tăng tính phân cấp của mạng lưới, mỗi khối trong blockchain chỉ được phép giới hạn ở kích thước 1MB. Tuy nhiên, cách thức này đã hạn chế khả năng giao dịch của Bitcoin, phí giao dịch tăng và xử lý chậm chạp. Chính vì vậy, Segregated Witness là tiền đề của Lightning Network (một lớp giao dịch con của mạng lưới Bitcoin blockchain) với tính năng tương tự như của Ethereum, đó là tạo hợp đồng thông minh. Segregated Witness được đưa vào sử dụng vào ngày 24 tháng 8 năm 2017.

Segregated Witness đã xử lý các giao dịch trên Bitcoin blockchain với chi phí cực kỳ thấp bằng cách định tuyến giao dịch thông qua mesh network của kênh thanh toán. Sau đó, với giao dịch tại Bitrefill, Lightning Network lần đầu được thử nghiệm với phiên bản 1.0 từ tháng 12 năm 2017. Chính thức được triển khai và sử dụng vào năm 2018
2. Đào Bitcoin
Đào Bitcoin (Bitcoin mining) là thuật ngữ về quá trình giải mã các thuật toán và cách xác nhận thanh toán nhanh chóng trên mạng lưới của Bitcoin. Thợ đào Bitcoin sử dụng máy tính với cấu hình mạnh và các phần mềm hỗ trợ để giải quyết vấn đề về tính toán, đồng thời cho phép liên kết các khối giao dịch lại và phần thưởng nhận được là BTC (phần thưởng khối).

Mỗi thợ đào Bitcoin tìm ra khối mới sẽ nhận được số bitcoin thưởng trong khối đó cộng với chi phí giao dịch được xử lý trong khối. Vào cuối thời điểm 2016, mỗi khối có 12,5 bitcoin. Phần thưởng này chỉ được nhận khi giao dịch có tên Coinbase được đưa vào thanh toán. Từ đó về sau, mọi Bitcoin tồn tại được đều khởi tạo từ giao dịch nguồn Coinbase đó. Giao thức Bitcoin quy định phần thưởng của thợ đào sẽ giảm một nửa sau mỗi 210.000 khối được khai thác. Tức là, phần thưởng của thợ đào ước tính sẽ tiệm cận con số 0 vào năm 2140 vì chỉ có tổng cộng 21 triệu Bitcoin được phép lưu hành.
Hiện nay, các phần mềm hỗ trợ đào Bitcoin là trợ thủ đắc lực giúp người dùng có thể sở hữu coin một cách dễ dàng hơn, bất kể một mình hay tham gia cùng một nhóm. Các phần mềm đào coin có nhiệm vụ theo dõi, định cấu hình và kết nối phần cứng với mạng. Trong đó, Cudo Miner là công cụ giúp đào coin bằng GPU và CPU, thích hợp với hệ điều hành Windows, macOS và Linux. Ứng dụng có giao diện thân thiện, bảng điều khiển web mạnh và khả năng tùy chỉnh thuật toán để đem lại hiệu suất cũng như lợi nhuận cao. Hơn nữa, Cudo Miner còn hỗ trợ kiếm và nhận tiền linh hoạt với các loại tiền tệ khác nhau trên thế giới. Ngoài ra, một số các phần mềm khác như Diablominer, BFGMiner, CGMiner,… cũng là những công cụ hỗ trợ đào coin phổ biến được nhiều người sử dụng.
3. Ví Bitcoin
Mỗi tài khoản Bitcoin được thể hiện dưới dạng 1 ví Bitcoin bao gồm địa chỉ Bitcoin công khai (hash của public key) và khóa riêng tư (private key). Với chiếc ví có địa chỉ công khai, ai cũng có thể gửi Bitcoin đến, ngược lại, khóa riêng tư cần nhập mã khi chủ ví muốn gửi Bitcoin đi. Nếu mất đi khóa riêng tư, mạng lưới Bitcoin không xác nhận được việc sở hữu của số bitcoin đó và sẽ vĩnh viễn bị mất. Khoảng 20% số bitcoin đang hiện hành bị đánh mất vĩnh viễn bởi người dùng mất khóa riêng tư.

Để thanh toán giữa nhiều địa chỉ khác nhau, ví cho phép cập nhập vào blockchain để hoàn tất các thanh toán. Trên thiết bị di động, người dùng sử dụng mã QR để thanh toán nhanh chóng khi thực hiện giao dịch. Một số các công cụ quản lý ví Bitcoin điển hình như:
- Ví phần cứng (Hardware wallets): Ledger Nano S, Trezor.
- Ví phần mềm (Software wallets): Armory, Bitcoin Core.
- Ví cho thiết bị di động: Breadwallet, Blockchain.info.
- Ví giấy (Paper wallets): là cách sử dụng tự in ví giấy từ một trong các ví trên để cất trong tủ an toàn.
4. Tính riêng tư
Bitcoin là một loại tiền tệ ẩn danh và không gắn với thực thể trong thế giới thật, chúng chỉ gắn đúng với địa chỉ Bitcoin. Các chủ sở hữu địa chỉ Bitcoin không được xác định rõ ràng nhưng giao dịch lại được thực hiện công khai.
Hơn nữa, thông qua việc phân tích dòng giao dịch, các giao dịch được liên kết với mỗi cá nhân hoặc công ty và kết hợp dữ liệu từ các nguồn được định danh. Tuy nhiên, giống với tiền mặt, xác định địa chỉ Bitcoin gắn với ai là việc tương đối khó. Chính vì vậy, mỗi giao dịch cần tăng tính riêng tư bằng cách sử dụng một địa chỉ Bitcoin mới.
5. Sự phát triển (nâng cấp phần mềm)
Vì phần mềm Bitcoin được phát hành dưới dạng phần mềm nguồn mở nên bất kỳ ai cũng có thể vào xem và thay đổi mã nguồn. Nếu có một tính năng mới cần đưa vào phần mềm, nhà phát hành sẽ tạo ra 1 BIP (Bitcoin Improvement Proposals) gồm 1 pull request trên Github.
Mặc dù vậy, người sử dụng sẽ có quyền bình chọn những tính năng mà họ đồng ý bằng cách tải phiên bản mới chứa những tính năng đó về. Hoặc nếu họ không muốn, họ có thể chọn cách không tải về. Mỗi máy tính đều là một phiếu bầu, chính vì vậy, Bitcoin là phần mềm tiến hóa mà các đồng tiền mã hóa khác khó có thể cạnh tranh được.
6. Sự quản trị
Satoshi Nakamoto là nhân vật ẩn danh thiết kế và điều hành phần mềm mã nguồn mở Bitcoin. Vào 2010, Satoshi đã rời vị trí điều hành và giao chìa khóa cảnh báo mạng cho Gavin Andresen. Tuy nhiên, ngay sau đó, khóa báo động này đã được chính Gavin hủy bỏ để thực hiện biến Bitcoin trở thành mạng lưới hoàn toàn phân quyền.
Việc quản lý phân quyền đã mang tới vô số tranh cãi về hướng phát triển sắp tới của Bitcoin trong tương lai. Bitcoin Core có nhiều phiên bản cạnh tranh nhằm đề xuất hướng giải quyết về vấn đề quản trị khác nhau và gây tranh cãi. Bitcoin Cash là lựa chọn thay thế hiện hành ngày nay đã tạo nên cuộc nội chiến trong mạng với Bitcoin với Bitcoin Core. Bitcoin Cash phá bỏ giới hạn cứng 1MB cho mỗi khối. Đồng thời cho phép mạng lưới điều chỉnh giới hạn này. Bitcoin Core đưa Lightning Network vào giúp tiếp tục giữ nguyên giới hạn 1MB và tạo thêm các sidechain bên ngoài chứa giao dịch nhỏ, nhúng chữ ký của các sidechain này vào blockchain chính.
7. Bản nâng cấp Taproot
Taproot là phiên bản nâng cấp thay cho thuật toán ECDSA bao gồm việc sử dụng chữ ký Schnorr. Taproot sở hữu đặc tính toán học cung cấp mức độ đúng đắn cao, xác minh nhanh chóng và tránh được “malleability“. Còn với đối với chữ ký Schnorr, việc sử dụng “toán học tuyến tính” cho phép hợp đồng thông minh mới tận dụng các thủ thuật mật mã như cây Merkle. Người dùng sẽ được kết hợp mã hóa nhiều điều kiện chi tiêu vào một đầu ra, đơn giản hóa một địa chỉ cụ thể duy nhất.
Với chức năng của Taproot, các hợp đồng thông minh được xây dựng theo mô hình giống như một cái cây, chỉ tiết lộ một số nhánh nhất định và tăng thêm tính riêng tư cho Bitcoin. Hợp đồng thông minh được tạo ra có thể phức tạp hơn nhiều bởi Taproot cho phép phần lớn dữ liệu của hợp đồng thông minh bên ngoài blockchain.
Đặc điểm của Bitcoin
Bitcoin hiện được xem như vàng thời 2.0 vì sở hữu đầy đủ tính chất của tiền tệ: đánh giá, lưu thông, dự trữ, thanh toán.
1. Ưu điểm
- Không có ngân hàng trung ương: điều này giúp Bitcoin tránh được nạn lạm phát khi ngân hàng trung ương in tiền cho các tổ chức tài chính và các tập đoàn vay.
- Không cần đến kênh trung gian khi giao dịch: lợi ích này dẫn tới việc ngân hàng và các kênh tài chính trung gian được giảm thiểu chi phí tối đa. Tại bất kỳ thời điểm nào kể cả ngày lễ, ngày nghỉ, giao dịch đều được thực hiện và không ai có quyền ngừng hoặc đóng băng giao dịch.
- Không thể tự tạo ra Bitcoin: không giống như tiền giấy có thể được Nhà nước phát hành thêm khi cần thiết. Bitcoin được thiết kế giới hạn tối đa 21 triệu đồng và chỉ có thể khai thác khi thực hiện “đào coin”.
- Bitcoin không thể bị làm giả: người dùng sở hữu chuỗi mã để kiểm soát địa chỉ chứa Bitcoin đã được thêm vào sổ cái duy nhất trên hệ thống và giao thức của Bitcoin được thiết kế để không bị làm giả hoặc sao chép trên sổ cái này.
- Giao dịch dễ dàng hơn: đơn vị tiền tệ Bitcoin có thể chia nhỏ tới mức vô hạn, cải thiện việc thanh toán chính xác một cách dễ dàng.
- Tránh sự tham nhũng hoặc lừa đảo: việc tự kích hoạt với hợp đồng thông minh giúp bitcoin tránh được các cá thể hoặc tổ chức thao túng, can thiệp hoặc áp dụng các hành vi lừa đảo.
2. Nhược điểm
- Những giao dịch bất hợp pháp: mỗi quốc gia đều có quan điểm và pháp luật riêng về Bitcoin. Trên thực tế, giá của Bitcoin đã giảm mạnh khi trang web của chợ đen Silk Road bị sập. Điều này đã khẳng định Bitcoin đang được sử dụng như một công cụ giúp các tổ chức rửa tiền hoặc dùng cho hành vi trái pháp luật.
- Rủi ro mất key bảo mật: key là mật khẩu dùng để truy cập vào ví Bitcoin. Nếu để đánh mất key, số Bitcoin có trong ví sẽ không xác minh được địa chỉ và nguy cơ mất cả ví tiền là rất cao.
- Tính biến động cao: giá của Bitcoin dao động liên tục, không thể dự đoán trước được. Bitcoin có thể lập đỉnh giá cao ngất ngưởng nhưng giá trị vốn hóa lại bị thổi bay rất nhanh.
Về đầu tư Bitcoin
Bitcoin được giao dịch như một dạng đầu tư và có nhiều cách để mua hoặc bán Bitcoin: đặt lệnh mua, bán trên sàn giao dịch trực tuyến, thông qua người môi giới, hoặc tại máy Bitcoin ATM.
Mặt trái của việc đầu tư Bitcoin là chứa đựng nhiều rủi ro, mối lo ngại về một loại bong bóng kinh tế thuộc lĩnh vực tiền tệ trên Internet. Cũng như các kênh vàng hay ngoại tệ, giám đốc điều hành Nasdaq Private Market – Barry Silbert đã nhận định rằng: “Bitcoin là kênh đầu tư rủi ro và lợi nhuận thuộc loại cao nhất hiện tại”.
Hình thức đầu tư giao dịch tiền ảo này có 2 cách phổ biến là Hold coin và Trade coin.
- Hold coin: mục đích của hình thức đầu tư dài hạn này là mua giá thấp, bán giá cao. Khi đồng coin đang ở mức giá hợp lý và có tiềm năng, với kỳ vọng vào đồng tiền này sẽ tăng giá sau một thời gian để tạo lợi nhuận dài hạn.
- Trade coin: lợi nhuận chính của hình thức đầu tư này đó là sự chênh lệch giá dựa vào những biến động trong ngắn hạn của Bitcoin. Có 2 cách thức để thực hiện trade coin sau:
- Mua thấp bán cao: sử dụng đặt lệnh mua nếu thấy coin có tiềm năng tăng giá trong tương lai.
- Bán cao mua thấp: khi nhà đầu tư kỳ vọng vào giá sẽ giảm, họ đặt lệnh bán khống rồi sau đó khi giá giảm, nhà đầu tư sẽ mua lại với giá thấp để kiếm lợi nhuận từ sự chênh lệch giá.
1. Sự chấp thuận
Bitcoin ngày càng nhận được sự chấp nhận bởi nhiều doanh nghiệp ở các quốc gia trên thế giới. Thời điểm tháng 9 năm 2014, các doanh nghiệp ở Bắc Mỹ được phép sử dụng hệ thống của Paypal để thanh toán bằng Bitcoin. Đến năm 2016, rất nhiều doanh nghiệp trên thế giới đã chấp nhận thanh toán bằng Bitcoin. Trong đó bao gồm các công ty lớn như: Atomic Mall, Dynamite Entertainment, Expedia, Microsoft, Overstock.com,…

Hiện nay, số lượng dịch vụ chấp nhận Bitcoin không nhiều. Tuy nhiên, vẫn có một số doanh nghiệp toàn cầu cho phép thanh toán bằng Bitcoin và dịch vụ tiêu biểu của họ là: nạp thẻ điện thoại BitRefill, mua vé máy bay, thuê ô tô, đặt khách sạn, mua hàng trực tuyến trên Overstock,…
2. Khả năng thanh toán
Trái với thẻ tín dụng, chi phí gửi Bitcoin do người gửi hoàn toàn tự nguyện thanh toán. Nếu phí gửi càng cao, giao dịch đó được ưu tiên xử lý trước và phí thanh toán rẻ hơn nhiều so với chuyển khoản hay sử dụng thẻ tín dụng.
Thông thường, chi phí thanh toán thẻ mất khoảng 2 – 3% đối với doanh nghiệp, 5% đối với khách hàng bao gồm phí chuyển đổi ngoại tệ. Điều khiến Bitcoin trở thành xu hướng đối với người muốn gửi số tiền lớn đó là chi phí gửi không phụ thuộc vào số lượng. Ví dụ muốn gửi lượng bitcoin trị giá hàng triệu đô la Mỹ chỉ với vài xu mà có thể gửi đi bất kỳ đâu trên thế giới.
3. Tính thanh khoản
Tổng vốn hóa của Bitcoin được ghi nhận vào thời điểm ngày 7 tháng 12 năm 2017 là hơn 241 tỷ đô la Mỹ. Tổng phí tại các sàn lớn trong khối lượng giao dịch 24 giờ là hơn 13,3 tỷ đô la Mỹ.
Tính hợp pháp của Bitcoin
Cũng giống như vàng hoặc các loại tiền tệ khác, có thể dùng như vật trung gian để rửa tiền. Ngoài ra, vì tính chất ẩn danh trong giao dịch, Bitcoin cũng được các tội phạm mạng quan tâm và sử dụng để thực hiện các hành vi phạm pháp.

1. Trên thế giới
Tại thời điểm tháng 9 năm 2015, Bitcoin chính thức có tên trong danh sách hàng hóa được phép giao dịch tại Mỹ. Hầu hết, các thành viên trong cơ quan chính phủ Mỹ đều tán thành việc sử dụng Bitcoin. Với Ủy ban bầu cử liên bang Mỹ (FEC), họ chấp nhận quyên góp qua Bitcoin.
Tại Châu Âu vào tháng 10 năm 2015, Tòa án tối cao đã phán quyết Bitcoin được phép giao dịch như các đơn vị tiền tệ thông thường và không bị đánh thuế. Malta đã đưa Bitcoin và công nghệ blockchain vào chiến lược quốc gia. Nhật và Thụy Điển cũng chấp nhận Bitcoin trở thành một phương thức thanh toán chính thức. Tuy nhiên, với các quốc gia lớn khi giao dịch Bitcoin bắt buộc phải tuân thủ những quy định trong ngân hàng như KYC/AML và kiểm toán nội bộ.
Ngoài Mỹ, Nhật và Thụy Điển, Bitcoin được đặt ở trạng thái không quản lý hoặc không rõ ràng. Chính vì thiếu việc quản lý và không rõ ràng trong luật pháp đã khiến Bitcoin trở nên mơ hồ và tạo nhiều lỗ hổng cho những mô hình lừa đảo Ponzi khai thác.
3 quốc gia duy nhất trên thế giới đã ra lệnh cấm giao dịch Bitcoin, bao gồm: Bangladesh, Bolivia, Ecuador.
2. Tại Việt Nam
Vào năm 2014, Ngân hàng Nhà nước Việt Nam đã nêu rõ việc sử dụng Bitcoin làm phương tiện thanh toán không được pháp luật thừa nhận và bảo vệ. Bộ Công Thương cũng không chấp nhận Bitcoin là hàng hóa hay dịch vụ được phép thông hành tại Việt Nam.
Thủ tướng Chính phủ đã xét duyệt đề án hoàn thiện khung pháp lý cho việc quản lý các tài sản số, tiền số, tiền điện tử trong đó có Bitcoin. Vào tháng 8 năm 2018, các giao dịch Bitcoin sẽ được Chính phủ hợp pháp hóa và được phân loại vào danh mục tài sản số. Do đó, việc thanh toán, sử dụng, đào Bitcoin không phải là hành vi vi phạm pháp luật.
Trên thực tế, đây là dạng hợp pháp tốt nhất cho các doanh nghiệp vì không phụ thuộc bởi các quy định. Theo định nghĩa của Ngân hàng Nhà nước, việc thanh toán bằng Bitcoin không vi phạm pháp luật bởi Bitcoin không phải là phương thức thanh toán mà là phương tiện trao đổi hàng hóa. Tuy nhiên, Chính phủ vẫn hạn chế các doanh nghiệp kinh doanh Bitcoin trong nước bằng các phương pháp hành chính khác.
Tác giả: Nguyễn Công Phúc