Là một nhà đầu tư, không ai muốn cổ phiếu mình đăng nắm giữ sẽ mất giá trị và bị “khai tử” trên thị trường chứng khoán. Vậy, nếu nhà đầu tư lỡ mua cổ phiếu bị hủy niêm yết thì sẽ phải xử lý ra sao? Trong bài viết này, mình sẽ giúp bạn hiểu rõ hơn về khái niệm hủy niêm yết chứng khoán và cách giải quyết vấn đề khi xảy ra!
Hủy niêm yết chứng khoán là gì?

Hủy niêm yết chứng khoán là việc loại bỏ mã cổ phiếu đang được niêm yết ra khỏi sàn giao dịch. Hủy niêm yết chứng khoán có 2 loại:
- Hủy tự nguyện: doanh nghiệp chủ động đề nghị xin hủy niêm yết cổ phiếu của mình trên sàn chứng khoán.
- Hủy bắt buộc: cổ phiếu của doanh nghiệp không còn đáp ứng được các điều kiện niêm yết trên sàn giao dịch.
Khi mã chứng khoán bị hủy niêm yết, các nhà đầu tư không thể giao dịch trên sàn mà phải trao đổi riêng với người đang có nhu cầu mua/bán lại hoặc thông qua thị trường OTC.
Cổ phiếu bị hủy niêm yết khi nào?
Một cổ phiếu đã được niêm yết trên sàn giao dịch thì không thể bị hủy một cách vô cớ. Dưới đây là hai trường hợp cổ phiếu sẽ bị hủy niêm yết:
1. Cổ phiếu được hủy niêm yết tự nguyện
Theo Khoản 1 Điều 121 Nghị định 155/2020/NĐ-CP của Luật Chứng khoán, điều kiện được hủy niêm yết cổ phiếu như sau:
a) Quyết định hủy bỏ niêm yết tự nguyện được Đại hội đồng cổ đông, Đại hội nhà đầu tư biểu quyết thông qua theo quy định pháp luật doanh nghiệp, quy định tại Điều lệ quỹ đầu tư chứng khoán, trong đó phải được trên 50% số phiếu biểu quyết của các cổ đông không phải là cổ đông lớn thông qua;
b) Việc hủy bỏ niêm yết tự nguyện chỉ được thực hiện sau tối thiểu 02 năm kể từ ngày có Quyết định chấp thuận niêm yết trên Sở giao dịch chứng khoán.
2. Cổ phiếu bị hủy niêm yết bắt buộc
Theo Khoản 1 Điều 120 Nghị định 155/2020/NĐ-CP của Luật Chứng khoán, cổ phiếu sẽ bắt buộc bị hủy niêm yết nếu xảy ra một trong các trường hợp sau:
a) Tổ chức niêm yết hủy tư cách công ty đại chúng theo thông báo của Ủy ban Chứng khoán Nhà nước;
b) Tổ chức niêm yết ngừng hoặc bị ngừng các hoạt động sản xuất, kinh doanh chính từ 01 năm trở lên;
c) Tổ chức niêm yết bị thu hồi Giấy chứng nhận đăng ký doanh nghiệp hoặc Giấy phép hoạt động trong lĩnh vực chuyên ngành;
d) Cổ phiếu không có giao dịch tại Sở giao dịch chứng khoán trong thời hạn 12 tháng;
đ) Cổ phiếu không đưa vào giao dịch trong thời hạn 90 ngày kể từ ngày Sở giao dịch chứng khoán chấp thuận đăng ký niêm yết;
e) Kết quả sản xuất, kinh doanh bị thua lỗ trong 03 năm liên tục hoặc tổng số lỗ luỹ kế vượt quá số vốn điều lệ thực góp hoặc vốn chủ sở hữu âm trong báo cáo tài chính kiểm toán năm gần nhất trước thời điểm xem xét;
g) Tổ chức niêm yết chấm dứt sự tồn tại do tổ chức lại, giải thể hoặc phá sản;
h) Tổ chức kiểm toán không chấp nhận thực hiện kiểm toán hoặc có ý kiến kiểm toán trái ngược hoặc từ chối cho ý kiến đối với báo cáo tài chính năm gần nhất của tổ chức niêm yết hoặc có ý kiến kiểm toán ngoại trừ đối với báo cáo tài chính năm trong 03 năm liên tiếp;
i) Tổ chức niêm yết vi phạm chậm nộp báo cáo tài chính năm trong 3 năm liên tiếp;
k) Ủy ban Chứng khoán Nhà nước, Sở giao dịch chứng khoán phát hiện tổ chức niêm yết giả mạo hồ sơ niêm yết;
l) Tổ chức niêm yết bị xử lý vi phạm về các hành vi bị nghiêm cấm quy định tại các khoản 1, 2, 3, 7 Điều 12 Luật Chứng khoán;
m) Tổ chức niêm yết bị đình chỉ hoạt động hoặc cấm hoạt động đối với ngành nghề hoặc hoạt động kinh doanh chính;
n) Không đáp ứng điều kiện niêm yết do sáp nhập, tách doanh nghiệp và các trường hợp cơ cấu lại doanh nghiệp; hoặc sau khi hoàn thành các hoạt động sáp nhập, tách doanh nghiệp và các trường hợp cơ cấu lại doanh nghiệp nhưng không thực hiện thủ tục đăng ký niêm yết, đề nghị xem xét lại điều kiện niêm yết hoặc thay đổi đăng ký niêm yết trong thời hạn quy định;
o) Tổ chức niêm yết vi phạm nghiêm trọng nghĩa vụ công bố thông tin, không hoàn thành nghĩa vụ tài chính với Sở giao dịch chứng khoán và các trường hợp khác mà Sở giao dịch chứng khoán hoặc Ủy ban Chứng khoán Nhà nước xét thấy cần thiết phải hủy niêm yết nhằm bảo vệ quyền lợi của nhà đầu tư.
Những cổ phiếu bị hủy niêm yết thì sẽ ra sao?
Cổ phiếu khi hủy niêm yết sẽ có trường hợp được chuyển sàn và không được chuyển sàn.
1. Đối với cổ phiếu hủy niêm yết chuyển sàn
Cổ phiếu hủy niêm yết ở sàn cũ để chuyển sang niêm yết ở sàn mới sẽ có 2 trường hợp sau:
- Hủy niêm yết chuyển sang sàn lớn hơn (HNX và HoSE): những công ty kinh doanh thuận lợi đáp ứng được các yêu cầu của các sàn giao dịch lớn hơn thường có xu hướng hủy niêm yết ở sàn cũ để chuyển sang sàn mới như từ Upcom sang HNX hoặc HoSE. Khi đó, số cổ phiếu nhà đầu tư sở hữu sẽ vẫn được giao dịch bình thường tại sàn mới.
- Hủy niêm yết chuyển xuống sàn Upcom: nếu công ty có hoạt động kinh doanh không tốt, không đáp ứng được yêu cầu hoặc vi phạm quy định niêm yết trên các sàn lớn như HNX hay HoSE thì cổ phiếu sẽ bị hủy niêm yết và chuyển sang niêm yết trên sàn Upcom để đảm bảo thanh khoản.
2. Đối với cổ phiếu hủy niêm yết không chuyển sàn
Cổ phiếu hủy niêm yết không chuyển sàn nghĩa là không có sàn giao dịch nào tiếp nhận để tái niêm yết cổ phiếu đó, kể cả Upcom. Việc mua bán cổ phiếu sẽ cần phải liên hệ trực tiếp với các cổ đông hoặc các nhà đầu tư khác đang nắm giữ dựa trên thương lượng và thỏa thuận riêng. Đối với những nhà đầu tư thông thường, loại cổ phiếu này rất khó để mua hoặc bán vì nhu cầu giảm mạnh. Để bảo vệ quyền lợi cho nhà đầu tư, công ty phát hành có chính sách mua lại số cổ phiếu này hoặc Ủy bán Chứng khoán Nhà nước sẽ yêu cầu chuyển cổ phiếu lên sàn OTC để có thể tiếp tục được giao dịch.
Nhà đầu tư nên làm gì khi cổ phiếu bị hủy niêm yết?

Khi phát hiện thông tin cổ phiếu mình đang nắm giữ có nguy cơ bị hủy niêm yết, dù trong bất kỳ trường hợp nào, nhà đầu tư cũng cần bình tĩnh để đưa ra quyết định đúng đắn. Một số giải pháp có thể tham khảo bao gồm:
- Bán trước khi cổ phiếu bị hủy niêm yết chính thức: khi nhận thấy tín hiệu xấu từ sự bất thường trong hoạt động kinh doanh hoặc báo cáo tài chính, nhà đầu tư nên chuẩn bị kế hoạch bán sớm trước khi cổ phiếu đó bị công bố hủy niêm yết. Việc bán cổ phiếu trước khi bị hủy sẽ giúp nhà đầu tư tránh được trường hợp phải bán tháo để bù lỗ.
- Bán ngay khi cổ phiếu bị chuyển xuống sàn UPCoM hoặc không được chuyển sàn: đây là 2 trường hợp cổ phiếu rủi ro cao vì chính công ty phát hành đã thể hiện khả năng kinh doanh yếu kém hoặc không có triển vọng tái cấu trúc. Vì vậy, trong thời gian ngắn, giá cổ phiếu sẽ giảm sâu và khó giao dịch. Tốt hơn hết, nhà đầu tư không nên chần chừ mà nên bán ngay nếu có thể để thu hồi vốn.
- Giữ lại cổ phiếu bị hủy niêm yết chờ hồi phục:
- Đây là cơ hội cho những nhà đầu tư muốn thu mua số lượng lớn để tái cấu trúc bộ máy hoặc thâu tóm doanh nghiệp.
- Một số trường hợp nhà đầu tư vẫn có cơ hội bán cổ phiếu bị hủy niêm yết khi doanh nghiệp được tái cấu trúc và có dấu hiệu hồi phục trở lại, mặc dù là rất hiếm.
Hy vọng với những chia sẻ trên, bạn đã có thể hiểu rõ hơn về cổ phiếu bị hủy niêm yết trong đầu tư chứng khoán. Nếu có bất kỳ thắc mắc nào cần giải đáp, hãy để lại thông tin bình luận nhé!
Tác giả: Nguyễn Công Phúc & Phan Khánh Linh