Có nhiều loại công ty khác nhau, trong đó công ty cổ phần thường xuyên được nhắc đến nhiều hơn trong lĩnh vực tài chính và đầu tư. Bài viết này, mình sẽ giúp bạn tìm hiểu chi tiết về khái niệm công ty cổ phần và những thông tin liên quan.
Công ty cổ phần là gì?
Công ty cổ phần (tiếng Anh: joint stock company) là loại hình doanh nghiệp được thành lập từ vốn điều lệ được chia thành nhiều phần bằng nhau gọi là cổ phần. Chủ sở hữu của công ty cổ phần được gọi là các cổ đông và phải có ít nhất 3 chủ thể (cá nhân hoặc tổ chức) để duy trì hoạt động, không giới hạn số lượng tối đa.

Công ty cổ phần được thành lập dưới dạng pháp nhân có trách nhiệm hữu hạn và tồn tại độc lập với các chủ thể sở hữu nên cổ đông sẽ không phải chịu trách nhiệm về mọi hoạt động kinh doanh, bao gồm cả việc trả các khoản nợ.
Sơ đồ tổ chức công ty cổ phần
Căn cứ vào Luật doanh nghiệp 2020, cơ cấu tổ chức công cổ phần hoạt động theo mô hình bao gồm các thành phần sau:
- Đại hội đồng cổ đông: gồm tất cả cổ đông có quyền biểu quyết, là cơ quan quyết định cao nhất của công ty cổ phần.
- Hội đồng quản trị: là cơ quan đảm nhiệm chức vụ quản lý, có toàn quyền đại diện công ty để ra quyết định và thực hiện nghĩa vụ mà không thuộc phạm vi thẩm quyền của Đại hội đồng cổ đông.
- Ban Kiểm soát: chỉ được thành lập và hoạt động trong trường hợp công ty cổ phần có trên 11 cổ đông là cá nhân hoặc trên 50% tổng số cổ phần thuộc sở hữu của cổ đông là tổ chức. Ban kiểm soát có nhiệm vụ giống với các cơ quan tư pháp nhằm giúp các cổ đông kiểm soát các hoạt động quản trị và điều hành nội bộ công ty.
- Ban giám đốc: là bộ phận có quyền điều hành công việc kinh doanh của công ty dưới sự giám sát của Hội đồng quản trị. Ban Giám đốc chịu trách nhiệm trong việc thực hiện các nghĩa vụ được giao trước Hội đồng quản trị.
- Các phòng ban khác: có những chức năng khác nhau để vận hành công ty một cách ổn định.
Ưu điểm và nhược điểm của công ty cổ phần
Công ty cổ phần có những đặc điểm như sau:
1. Ưu điểm
Về mặt lợi thế:
- Ổn định: công ty cổ phần hoạt động với tư cách pháp nhân độc lập nên nếu cổ đông có rút vốn vẫn có thể hoạt động bình thường.
- Trách nhiệm hữu hạn: trách nhiệm của cổ đông về tài chính của công ty là hữu hạn, chỉ nằm trong phạm vi vốn góp. Trong trường hợp doanh nghiệp có bị phá sản thì thì cổ đông sẽ không bị truy cứu trách nhiệm về các khoản nợ.
- Dễ huy động vốn: công ty cổ phần có thể dễ dàng huy động vốn từ công chúng thông qua việc tự phát hành và bán các loại chứng khoán ra thị trường.
- Dễ dàng chuyển nhượng: cổ đông có thể dễ dàng chuyển nhượng cổ phiếu/cổ phần của mình cho người khác khi chỉ cần làm theo thủ tục và hợp đồng có sẵn. Vậy nên, đối tượng tham gia có thể là các cá nhân không có quá nhiều kinh nghiệm. Bện cạnh đó, nếu thấy cổ phiếu đang sở hữu không còn tiềm năng sinh lời, nhà đầu tư có thể chuyển vốn đầu tư của mình sang một công ty khác, lĩnh vực khác.
2. Nhược điểm

Về mặt hạn chế:
- Cơ cấu phức tạp: do số lượng cổ đông lớn thậm chí là không giới hạn nên các cổ đông khó có thể nắm bắt hết hoạt động trong công ty. Trong trường hợp xấu có sẽ thể xảy ra sự phân hóa khiến các cổ đông bị đối đầu về lợi ích.
- Dễ bỏ lỡ cơ hội kinh doanh: các quyết định kinh doanh hoặc đầu tư của công ty cổ phần hầu hết đều phải được thông qua sự đồng thuận bởi Đại hội đồng cổ đông và Hội đồng quản trị. Quá trình này mất khá nhiều thời gian và đôi khi còn vấp phải sự phản đối của các bên liên quan dẫn đến bỏ lỡ một cơ hội.
- Công khai kết quả kinh doanh: do công ty cổ phần phải thực hiện khai báo và công khai các kết quả kinh doanh trong báo cáo tài chính tại các cuộc họp thường niên theo quy định. Điều này có thể khiến cho chiến lược kinh doanh dễ dàng bị các đối thủ phân tích.
- Mức nộp thuế cao: ngoài việc công ty cổ phần phải thực hiện nghĩa nộp thuế ra thì các cổ công còn phải chịu thuế thu nhập bổ sung từ nguồn cổ tức và lãi cổ phần theo quy định của pháp luật.
- Tốn phí chuyển nhượng cổ phần: trường hợp các cổ đông muốn chuyển nhượng cổ phần thì phải thực hiện nghĩa vụ kê khai và nộp thuế thu nhập cá nhân kèm theo thuế suất 0,1%/giá chuyển nhượng cổ phần của từng lần.
Vai trò của công ty cổ phần trong phát triển kinh tế
Công ty cổ phần chiếm phần lớn trong các loại hình doanh nghiệp giúp dòng tiền được linh hoạt đổ vào đúng chỗ, thúc đẩy nền kinh tế phát triển. Việc huy động vốn rộng rãi từ các nhà đầu tư giúp cho công ty cổ phần dễ dàng phát triển ổn định, không lo bị thiếu tiền kinh doanh sản xuất.

Một mục tiêu khác của việc phát triển công ty cổ phần là giá trị cổ phiếu đủ lớn và đạt điều kiện để IPO – chào bán chứng khoán ra công chúng. Sau khi phát hành công khai lần đầu, các nhà đầu tư nhỏ lẻ sẽ mua và sở hữu cổ phiếu của doanh nghiệp, lức này công ty cổ phần sẽ trở thành một công ty đại chúng. Cổ phiếu của công ty sẽ có giá trị và tính thanh khoản cao hơn. Đó là một trong những lý do chính khiến các doanh nghiệp tiến hành IPO.
Trên đây là tổng hợp thông tin chi tiết về mô hình công ty cổ phần. Hy vọng bài viết này giúp ích được cho bạn. Chúc bạn thành công!
Tác giả: Nguyễn Công Phúc & Phan Khánh Linh