Đầu tư chứng khoán thường được ví như một cuộc chơi của những người có đầu óc cùng với cả sự may mắn. Đa số người thành công trên thị trường đều có cho mình ít nhất một phương pháp đầu tư như “kim chỉ nam” giúp họ chiến thắng trong nhiều chiến dịch. Nổi bật trong số đó chính là phương pháp đầu tư giá trị được nhắc đến rất nhiều trong cuốn sách Nhà đầu tư thông minh. Vậy, đầu tư giá trị là gì và làm thế nào để áp dụng phương pháp đó? Hãy cùng mình tìm hiểu chi tiết trong bài viết này nhé!
Đầu tư giá trị là gì?
Đầu tư giá trị (value investing) là phương pháp đầu tư liên quan đến việc mua các loại cổ phiếu đang được thị trường định giá thấp hơn giá trị thực của nó thông qua một số phân tích kỹ thuật. Hiểu một cách đơn giản, nhà đầu tư sẽ không đưa ra quyết định mua bán dựa trên giá thị trường mà sẽ tự xác định giá trị thực của cổ phiếu đó.
Phương pháp đầu tư giá trị lần đầu được nhắc tới bởi Benjamin Graham trong những bài giảng tại Trường Kinh doanh Columbia vào năm 1928. Sau đó, các lý thuyết của phương pháp đầu tư này được ông đưa vào sách Phân tích chứng khoán (Securities Analysis) dưới sự trợ giúp của David Dodd vào năm 1934.
Trên thực tế, các kiến thức của Benjamin Graham thường gây ra những hiểu lầm nghiêm trọng, một trong số đó là việc cho rằng đầu tư giá trị đơn giản chỉ là việc khuyên mọi người mua cổ phiếu giá rẻ. Sau này, học trò nổi bật nhất của ông và cũng là nhà đầu tư thành công nhất thế giới – Warren Buffett cùng với sự góp ý của Charlie Munger đã định hình khái niệm đầu tư giá trị với trọng tâm:
Tìm một công ty tuyệt vời với mức giá hợp lý thay vì tìm một công ty hợp lý với mức giá hời.
Cách sử dụng phương pháp đầu tư giá trị

Để áp dụng phương pháp đầu tư giá trị, nhà đầu tư cần thực hiện các bước sau:
Bước 1: phân tích tiềm năng của doanh nghiệp
Đầu tiên, bạn cần phải phân tích để tìm kiếm các doanh nghiệp có giá trị đầu tư tốt. Giá trị của doanh nghiệp được cấu thành từ 3 yếu tố sau:
- Tài sản ròng của doanh nghiệp: là tất cả tài sản hữu hình hoặc vô hình của doanh nghiệp như tiền mặt, bất động sản, nhà xưởng sản xuất, tên thương hiệu, bằng sáng chế,… trừ đi các khoản nợ. Tài sản ròng thể hiện tiềm lực kinh tế của doanh nghiệp ra sao và khả năng đối phó với rủi ro tài chính có tốt không.
- Lợi nhuận của doanh nghiệp: là khoản tiền thu được sau khi đã trừ đi các khoản thuế và chi phí mà doanh nghiệp phải trả. Nếu một doanh nghiệp thu được lợi nhuận cao nhưng chỉ tồn tại nhất thời, không bền vững thì chưa chắc đã đáng để đầu tư.
- Tiềm năng phát triển trong tương lai: là khả năng giá thị trường của cổ phiếu tăng cao hơn so với giá hiện tại và đem về lợi nhuận cho nhà đầu tư.
Bước 2: xác định giá trị cổ phiếu của doanh nghiệp
Nhà đầu tư có thể dựa trên nhiều phương pháp đánh giá tài chính khác nhau để xác định giá trị thực tế của cổ phiếu như:
- Phương pháp dòng tiền chiết khấu (DCF)
- Phương pháp tỷ số P/E (Price to Earning ratio)
- Phương pháp tỷ số P/B (Price to Book ratio)
- Phương pháp tỷ số P/S (Price per Share ratio)
- Phương pháp chiết khấu dòng tiền thuần (FCFF)
- Phương pháp chiết khấu dòng tiền thuần của cổ đông (FCFE), v.v…
Bước 3: mua cổ phiếu có “biên độ an toàn”
Biên độ an toàn (margin of safety) của cổ phiếu là ngưỡng giá giao dịch mà nhà đầu tư sẵn sàng chấp nhận mức rủi ro của nó. Biên an toàn chỉ xuất hiện khi giá thị trường của cổ phiếu đang thấp hơn hoặc bằng so với giá trị thực. Nó cho phép nhà đầu tư mua vào để có khả năng thu về lợi nhuận với tỷ lệ cao hơn.
Cách định giá cổ phiếu của mỗi nhà đầu tư sẽ khác nhau tùy thuộc vào biên an toàn được đánh giá mang tính chủ quan của chính họ. Vậy nên, nếu nhà đầu tư chọn mua vào và nắm giữ những cổ phiếu nằm ở ngoài biên an toàn thì rủi ro sẽ lớn hơn bởi khả năng sinh lời không rõ ràng.
Những nhà đầu tư giá trị thành công trên thế giới
Trường phái đầu tư giá trị được áp dụng thành công bởi rất nhiều những nhà đầu tư nổi tiếng thế giới, trong đó có:
1. Benjamin Graham – cha đẻ của phương pháp đầu tư giá trị
Benjamin Graham (sinh ngày 8 tháng 5 năm 1894 và mấy ngày 21 tháng 9 năm 1976) là được coi là người sáng lập ra phương pháp đầu tư giá trị và cũng là thầy dạy của Warren Buffett. Qua quá trình đầu tư và đúc kết kinh nghiệm, ông nhận thấy việc mua vào cổ phiếu bị thị trường định giá thấp sẽ tối đa hóa lợi nhuận khi giá trị thực của chúng được công nhận sau này.
Benjamin Graham được đánh giá là một người cẩn trọng trong việc phân tích, đánh giá thị trường về giá trị thực tế của cổ phiếu. Ông tuân thủ nguyên tắc đầu tư của mình, chỉ mua khi biết chắc giá trị thực của cổ phiếu cao hơn giá bán thị trường.
Có thể nói, chiến lược đầu tư giá trị đã góp phần giúp cho sự nghiệp của ông phát triển và đạt đỉnh cao trong giới đầu tư tài chính.
2. David Dodd – đồng tác giả cuốn sách Nhà đầu tư thông minh
David Dodd (sinh ngaỳ 23 tháng 8 năm 1895 và mắt ngày 18 tháng 9 năm 1988) là một nhà đầu tư, nhà phân tích tài chính nổi tiếng người Mỹ và cũng là một cây bút chuyên viết sách về lĩnh vực kinh tế. David Dodd và Benjamin Graham là đồng nghiệp và đã hợp tác xuất bản cuốn Nhà đầu tư thông minh – cuốn sách đã giảng dạy và truyền cảm hứng cho rất nhiều người trên thế giới.
Sự thành công trong lĩnh vực đầu tư của David Dodd được đúc kết thành những kinh nghiệm quý báu đã giúp ông đứng vững trước những biến động của Đại khủng hoảng kinh tế toàn cầu giai đoạn những năm 1930. Nổi bật trong số đó là những nguyên tắc sau:
- Chỉ mua cổ phiếu ở biên an toàn
- Kiên nhẫn và thận trọng
- Ưu tiên việc giảm thiểu rủi ro
3. Warren Buffett – nhà đầu tư thành công nhất thế giới
Warren Buffett (sinh ngày 30 tháng 8 năm 1930) được mệnh danh là nhà đầu tư thành công nhất thế giới và rất nổi tiếng bởi những triết lý sâu sắc mà ông để lại. Ông được đánh giá là một nhà đầu tư kiên trì, có nguyên tắc và luôn tuân thủ nó trong mọi trường hợp đầu tư. Theo đó, Warren Buffett sẽ chỉ chi tiền vào cổ phiếu của những lĩnh vực, doanh nghiệp mà ông thực sự hiểu. Điều này giúp cho ông kiểm soát được nguồn tiền của mình cũng như khả năng tạo ra lợi nhuận từ chúng.

Chiến lược của Warren Buffett đặc biệt tập trung vào đầu tư giá trị trong dài hạn với những công ty mà ông đánh giá có tiềm năng phát triển. Ngay cả khi giá cổ phiếu trên thị trường của công ty đó giảm sâu, ông vẫn kiên nhẫn nắm giữ và chờ ngày giá bán của chúng tăng trưởng đúng với giá trị thực.
Giá là cái mà bạn trả. Giá trị là những gì bạn nhận được.
4. Charlie Munger – phó chủ tịch của Berkshire Hathaway
Charlie Munger (sinh ngày 1 tháng 1 năm 1924) được thế giới biết đến chủ yếu với tư cách là phó chủ tịch của Berkshire Hathaway và là cánh tay phải đắc lực nhất của Warren Buffett, ông từng nhiều lần đánh bại thị trường theo những nguyên tắc của riêng mình.

Charlie Munger vốn từng làm luật sư chưa từng học qua các trường lớp nào chuyên về kinh tế tài chính nhưng ông lại có hiểu biết rất sâu rộng về các lĩnh vực kinh doanh. Ông rất chú trọng việc đọc và học, chính điều ấy đã khiến Charlie Munger có khả năng phân tích, đánh giá chính xác cổ phiếu của các công ty ngay cả trong giai đoạn khủng hoảng tài chính năm 2008 – 2009.
Triết lý đầu tư của Charlie Munger không chỉ đem lại hiệu quả cho ông mà còn có ý nghĩa thay đổi tư duy đầu tư của Warren Buffett, góp phần tạo nên sự thành công lẫy lừng của huyền thoại đầu tư thế giới.
Trên đây là những tổng hợp những thông tin xoay quanh phương pháp đầu tư giá trị. Mình hy vọng bạn đọc sẽ có thêm nhiều kiến thức bổ ích và có thể vận dụng hợp lý vào quá trình đầu tư của mình. Chúc bạn thành công!
Tác giả: Nguyễn Công Phúc & Phan Khánh Linh