Trong thị trường chứng khoán tồn tại nhiều loại lệnh khác nhau nhằm hỗ trợ nhà đầu tư thuận tiện hơn trong việc giao dịch. Một trong số các lệnh chứng khoán phổ biến nhất trên thị trường là lệnh ATC. Hãy cùng mình tìm hiểu lệnh ATC trong chứng khoán nghĩa là gì nhé!
Lệnh ATC là gì?

Lệnh ATC (viết tắt của từ At the Close order) là lệnh đặt mua hoặc bán chứng khoán tại mức giá đóng cửa. Cụ thể, trong phiên khớp lệnh định kỳ ATC, các lệnh mua và lệnh bán sẽ được so khớp với nhau tại mức giá có khối lượng giao dịch lớn nhất, giá đó được gọi giá đóng cửa. Người đặt lệnh ATC đồng nghĩa với việc chấp nhận mua hoặc bán với giá đóng cửa, cho dù đó có là giá trần hay giá sàn. Lệnh ATC sẽ có hiệu lực trong vòng 15 phút cuối cùng, tính từ 14:30 đến 14:45 của phiên khớp lệnh định kỳ.
⇒ Đọc thêm: Giá trần, giá sàn & giá tham chiếu là gì?
Đặc điểm của lệnh ATC
Lệnh ATC có một số điểm đặc biệt sau:
- Lệnh ATC chỉ được áp dụng trên sàn giao dịch HoSE và HNX hoặc thị trường chứng khoán phái sinh và được ưu tiên trước lệnh giới hạn (LO).
- Khi kết thúc phiên giao dịch, nếu lệnh không được thực hiện hoặc không được thực hiện hết thì sẽ bị tự động hủy bỏ.
- Lệnh ATC giao dịch khớp theo giá đóng cửa nên không có mức giá cố định.
Nên đặt lệnh ATC khi nào?
Nhà đầu tư nên sử dụng lệnh ATC trong một số trường hợp như sau:
- Dùng để tính khối lượng mua bằng cách lấy số tiền chia cho giá trần. Nếu sau khi chia xong, khối lượng mua đạt như mong muốn mà vẫn còn dư tiền thì nhà đầu tư mới nên đặt lệnh này.
- Nhà đầu tư nên đặt lệnh ATC để tranh mua hoặc tranh bán cổ phiếu tại thời điểm cuối phiên giao dịch. Nếu giá khớp cao, sẽ có lợi khi tranh bán, và nếu giá khớp thấp thì sẽ có lợi khi tranh mua.
- Nếu sử dụng lệnh ATC hợp lý thì đây sẽ là phương tiện giúp nhà đầu tư “cắt lỗ” hiệu quả khi giá cổ phiếu có biến động xấu.
- Nhà đầu tư nên đặt lệnh ATC nếu muốn thu được lợi nhuận từ giao dịch với mức giá tốt hơn vào cuối phiên.
- Giá ATC có thể quá cao hoặc quá thấp, nhà đầu tư có thể phải chi trả một khoản tiền chênh lệch lớn hơn so với ước tính. Vì vậy, nhà đầu tư không nên đặt lệnh ATC khi sức mua của mình có thể không đáp ứng được mức giá trần.
- Nhà đầu tư chỉ nên đặt lệnh khi đã lường trước các rủi ro về giá bởi lệnh ATC sẽ không hiển thị giá (chỉ hiển thị ký hiệu ATC trên bảng điện) cho đến khi hết phiên.
- Trong phiên ATC, nhà đầu tư không thể hủy hoặc sửa đổi lệnh. Vì vậy, nhà đầu tư khi đặt lệnh phải thật cẩn trọng, tính toán kỹ lưỡng trước khi thực hiện.
Trên đây là những thông tin cần thiết về thuật ngữ ATC để nhà đầu tư tìm hiểu trong giao dịch chứng khoán. Hi vọng bài viết này sẽ giúp bạn sử dụng lệnh ATC hiệu quả. Chúc bạn thành công!
Tác giả: Nguyễn Công Phúc & Phan Khánh Linh