Trong thị trường chứng khoán, có rất nhiều yếu tố tác động đến giá cổ phiếu mà nhà đầu tư cần hiểu và nắm rõ. Một trong các chỉ số quan trọng hỗ trợ nhà đầu tư trong việc phân tích cơ hội mua cổ phiếu giá thấp nhưng có tiềm năng tăng trường mà thị trường ít chú ý đến đó chính là P/B. Trong bài viết này, hãy cùng mình tìm hiểu chi tiết về chỉ số P/B trong việc phân tích và đầu tư chứng khoán nhé!
Chỉ số P/B là gì?

Chỉ số P/B (Price to Book ratio) là chỉ số thể hiện tỷ lệ giữa giá trị thị trường và giá trị ghi sổ của một cổ phiếu. Các nhà nhà đầu tư thường tính toán chỉ số P/B để phán đoán xem giá cổ phiếu đang tham chiếu có đang bị đánh giá thấp hơn giá trị thực tế của nó hay không.
Cách tính chỉ số P/B
Chỉ số P/B trong chứng khoán thường được tính theo công thức sau:
P/B = Price/Book value
Trong đó:
- Price: giá cổ phiếu trên thị trường.
- Book value: giá trị ghi sổ sách của cổ phiếu.

Chỉ số P/B bao nhiêu là tốt?
Tương tự các chỉ số khác trong chứng khoán, rất khó để đánh giá chỉ số P/B bao nhiêu là tốt. Chỉ số P/B chỉ phản ánh được một phần tình trạng kinh doanh của doanh nghiệp, không đánh giá được bức tranh toàn cảnh của ngành hay của thị trường. Bên cạnh đó, mỗi doanh nghiệp và ngành nghề lại có những điều kiện và hoàn cảnh khác nhau tác động lên chỉ số P/B. Vì vậy, P/B có thể được coi là tốt ở ngành này nhưng bị xem là tệ ở một ngành khác.
Để đánh giá một cách khách quan nhất, nhà đầu tư nên đem so sánh chỉ số P/B của doanh nghiệp với các đối thủ cạnh tranh cùng ngành và với mức P/B trung bình của toàn ngành. Thông thường, chỉ số P/B ở mức lớn hơn hoặc bằng 1 được đánh giá là an toàn cho nhà đầu tư.
Những điểm nổi bật của chỉ số P/B
Chỉ số P/B có những điểm nổi bật như sau:
Ưu điểm:
- Chỉ số P/B luôn dương nên có thể dùng trong việc định giá đối với các doanh nghiệp đang thua lỗ.
- P/B có mức độ ổn định hơn so với EPS. Trong cùng một điều kiện biến động, khi nhà đầu tư gặp khó khăn trong việc quan sát và phân tích EPS, thì đánh giá dựa trên chỉ số P/B sẽ là một lựa chọn dễ dàng và hiệu quả hơn rất nhiều.
- Sử dụng chỉ số P/B hiệu quả hơn trong việc định giá các doanh nghiệp sở hữu khối tài sản lớn hoặc các công ty thuộc lĩnh vực bảo hiểm, ngân hàng, chứng khoán,…
Nhược điểm:
- Chỉ số P/B chỉ được xác định dựa trên tài sản hữu hình có thể dễ dàng quy đổi ra tiền mặt. Các loại tài sản vô hình khác như giá trị thương hiệu, tài sản trí tuệ, bằng sáng chế,… không được xét khi tính chỉ số P/B. Hạn chế này khiến cho giá cổ phiếu trên thị trường của một số doanh nghiệp không được đánh giá đúng với giá trị thật, đặc biệt là các startup.
- Giá trị ghi sổ của cổ phiếu là giá trị cố định được kê khai trong bảng cân đối kế toán và nó có thể không còn đúng tại thời điểm nhà đầu tư tìm hiểu. Vì vậy, nếu chỉ dựa trên chỉ số P/B sẽ không đánh giá và phân tích được một cách toàn diện, chính xác về doanh nghiệp.
- Một số doanh nghiệp có thể lạm dụng các biện pháp cơ cấu để tạo ra chỉ số P/B “ảo” nhằm nâng giá trị của cổ phiếu.
Ứng dụng của chỉ số P/B trong chứng khoán
Chỉ số P/B thường được sử dụng để phân tích cổ phiếu và có 2 trường hợp mà nhà đầu tư nên chú ý.
1. Chỉ số P/B cao
Khi một doanh nghiệp có chỉ số P/B cao đồng nghĩa thị trường cũng sẽ đặt nhiều kỳ vọng vào sự phát triển của doanh nghiệp đó. Tuy nhiên, nhà đầu tư không nên chỉ quan tâm đến con số mà còn cần chú ý đến yếu tố thanh khoản hoặc số nợ doanh nghiệp phải trả là cao hay thấp.
Nếu một doanh nghiệp có khoản nợ lớn, khi đó giá trị ghi sổ của cổ phiếu sẽ thấp và kéo theo đó là sự chênh lệch lớn giữa giá trên sổ sách và giá thị trường. Điều đó vô tình khiến chỉ số P/B được đẩy lên cao. Chỉ số P/B càng cao thì lợi nhuận càng hấp dẫn và kéo theo đó thì mức độ rủi ro cũng sẽ cao hơn.
2. Chỉ số P/B thấp
Chỉ số P/B thấp phản ánh hoạt động kinh doanh của doanh nghiệp đang không hiệu quả hoặc gặp các vấn đề về tài chính khiến dẫn đến tiềm năng phát triển thấp và không mấy khả quan.
Thông thường, khi chỉ số P/B được đánh giá là thấp hơn mức an toàn, giá mua vào cổ phiếu sẽ thấp hơn giá ghi sổ. Trường hợp này nhà đầu tư không nên lựa chọn mua vì khả năng cao là trong tương lai cổ phiếu đó sẽ giảm dần về đúng với giá trị trên sổ sách. Như vậy, lợi nhuận nhà đầu tư thu được rất thấp, thậm chí là thua lỗ vì giá cổ phiếu bán ra thấp hơn giá ban đầu mua vào.
Tuy nhiên, vẫn có trường hợp chỉ số P/B thấp do doanh nghiệp vừa trải qua giai đoạn khủng hoảng và đang dần phục hồi. Thời điểm này, nếu đã nắm được tình hình kinh doanh cũng như đánh giá được tiềm năng của doanh nghiệp, nhà đầu tư có thể cân nhắc mua cổ phiếu với giá thấp và mong đợi có một kết quả tốt hơn trong tương lai.
Tổng kết lại, chỉ số P/B là một công cụ hữu dụng giúp nhà đầu tư có thể đánh giá được tiềm năng của một mã cổ phiếu. Bên cạnh đó, bạn hãy kết hợp các chỉ số tài chính khác để đưa ra đánh giá và quyết định có lợi nhất cho việc đầu tư của mình. Chúc bạn thành công!
Tác giả: Nguyễn Công Phúc & Phan Khánh Linh