Do sự phổ biến của của hoạt động đầu tư trong những năm gần đây nên thị trường chứng khoán được rất nhiều người quan tâm và đổ vốn vào nó. Trong đó, có rất nhiều nhà đầu tư “sừng sỏ” nổi tiếng nhờ sức ảnh hưởng của mình trong hoạt động đầu tư chứng khoán, mỗi lời khuyên của họ đều có thể trở thành “kim chỉ nam” cho những nhà đầu tư khác mới bước chân vào thị trường. Nhưng cũng có không ít trong số đó lại có những hành vi “lùa gà”, gian lận nhằm thao túng thị trường chứng khoán để trục lợi cho bản thân. Vậy, thao túng thị trường chứng khoán là gì? Dấu hiệu của hành vi thao túng thị trường và khung hình phạt cho những đối tượng này ra sao? Hãy cùng mình tìm hiểu chi tiết trong bài viết này nhé!
Thao túng thị trường chứng khoán là gì?

Thao túng thị trường chứng khoán là hành vi gian lận cố ý can thiệp vào các diễn biến và hoạt động của thị trường chứng khoán nhằm mục đích trục lợi bất chính. Điều này thường được thực hiện bởi các cá nhân/tổ chức có nhiều vốn hoặc nắm giữ số lượng cổ phiếu lớn trên thị trường. Theo khoản 2 Điều 3 của Nghị định 156/2020/NĐ-CP, thuật ngữ này bao gồm các hành vi sau:
a) Sử dụng một hoặc nhiều tài khoản giao dịch của mình hoặc của người khác hoặc thông đồng liên tục mua, bán chứng khoán nhằm tạo ra cung, cầu giả tạo;
b) Đặt lệnh mua và bán cùng loại chứng khoán trong cùng ngày giao dịch hoặc thông đồng với nhau giao dịch mua, bán chứng khoán mà không dẫn đến chuyển nhượng thực sự quyền sở hữu hoặc quyền sở hữu chỉ luân chuyển giữa các thành viên trong nhóm nhằm tạo giá chứng khoán, cung cầu giả tạo;
c) Liên tục mua hoặc bán chứng khoán với khối lượng chi phối vào thời điểm mở cửa hoặc đóng cửa thị trường nhằm tạo ra mức giá đóng cửa hoặc giá mở cửa mới cho loại chứng khoán đó trên thị trường;
d) Giao dịch chứng khoán bằng hình thức cấu kết, lôi kéo người khác liên tục đặt lệnh mua, bán chứng khoán gây ảnh hưởng lớn đến cung cầu và giá chứng khoán, thao túng giá chứng khoán;
đ) Đưa ra ý kiến một cách trực tiếp hoặc gián tiếp thông qua phương tiện thông tin đại chúng về một loại chứng khoán, về tổ chức phát hành chứng khoán nhằm tạo ảnh hưởng đến giá của loại chứng khoán đó sau khi đã thực hiện giao dịch và nắm giữ vị thế đối với loại chứng khoán đó;
e) Sử dụng các phương thức hoặc thực hiện các hành vi giao dịch khác hoặc kết hợp tung tin đồn sai sự thật, cung cấp thông tin sai lệch ra công chúng để tạo cung cầu giả tạo, thao túng giá chứng khoán.
Hậu quả của việc thao túng thị trường chứng khoán
Hậu quả của hành vi thao túng thị trường chứng khoán thường ảnh hưởng rất tiêu cực, cản trở việc xác định giá cổ phiếu, khiến các nhà đầu tư bị mất niềm tin vào tính minh bạch và sự công bằng trong giao dịch. Điều dễ nhận thấy nhất là việc nhà đầu tư có thể bị mất tiền, thậm chí dẫn đến phá sản vì chơi chứng khoán khi mua phải những mã cổ phiếu bị thao túng hoặc đang biến động không ổn định. Nghiêm trọng hơn, các tác động này có thể gây thiệt hại nặng nề cho nền kinh tế.
Các hành vi thao túng thị trường chứng khoán phổ biến
Có một số hành vi thao túng thị trường chứng khoán đã từng xảy ra trước đây hoặc có thể dự đoán được. Tuy nhiên, không phải hành vi nào cũng phản ánh chính xác điều này bởi thị trường có thể vận hành bất thường phụ thuộc vào nhiều yếu tố khác nhau. Do đó, các nhà đầu tư cần tỉnh táo hơn trong việc tiếp nhận thông tin thị trường để có biện pháp phòng tránh khi cần. Những hành vi thao túng thị trường chứng khoán đó bao gồm việc:
- Đối tượng liên tục đăng tin và chia sẻ rầm rộ trên mạng xã hội, diễn đàn những thông tin sai lệch, gây hiểu lầm nhằm mục đích “thổi phồng” giá trị thị trường của các mã chứng khoán một cách giả tạo. Sau đó, họ bán (bán tháo) số lượng lớn cổ phiếu đã được thổi phồng nhằm kiếm lợi nhuận khổng lồ.
- Đối tượng cũng có thể tung những tin đồn thất thiệt khắp nơi nhằm hạ bệ doanh nghiệp khiến nhà đầu tư bán tháo, dẫn đến giá cổ phiếu giảm. Sau đó, kẻ đứng sau vụ việc này mua lại (đầu cơ) tất cả những mã cổ phiếu đó với giá rẻ để kiếm lợi nhuận khi những tin đồn thất thiệt được kiểm chứng là không chính xác.
- Các đối tượng cấu kết cùng với nhau để tạo những giao dịch ảo nhằm khiến mã chứng khoán trở nên dần khan hiếm một cách giả tạo. Điều này dẫn đến giá chứng khoán tăng lên do nhuồn cung giảm và khiến nguồn cầu không còn được đáp ứng đủ.
- Các đối tượng liên tục tạo các giao dịch ảo nhằm mục đích khiến cho mã chứng khoán đó trở nên “hot” lên một cách bất thường, dẫn dụ những nhà đầu tư khác mua vào cổ phiếu của mình với giá cao.
- Đối tượng có thể dùng thủ đoạn nhằm hạ giá một loại cổ phiếu bất kỳ xuồng bằng cách đặt bán một lượng lớn hoặc bán khống.
Khung hình phạt tội thao túng thị trường chứng khoán

Hành vi thao túng thị trường chứng khoán là việc làm trái với pháp luật, nếu phát hiện thì đối tượng gây ra sự việc sẽ phải chịu các hình phạt như sau:
1. Phạt hành chính
Dựa theo khoản 30 Điều 1 của Nghị định 128/2021/NĐ-CP, đối tượng thực hiện hành vi thao túng thị trương chứng khoán sẽ bị phạt gấp 10 lần số tiền thu lợi trái phép, không dưới 1.500.000.000 đồng đối với cá nhân và không dưới 3.000.000.000 đồng đối với tổ chức.
2. Phạt hình sự
Các cá nhân, tổ chức có hành vi thao túng thị trường chứng khoán sẽ bị truy cứu trách nhiệm hình sự cụ thể theo Điều 211 của Bộ luật Hình sự như sau:
a. Đối với cá nhân
Người phạm tội có thể bị phạt tiền từ 50.000.000 đồng đến 250.000.000 đồng, tước chức vụ và cấm làm mọi công việc từ 1 đến 5 năm. Ngoài ra:
- Hành vi thu lợi bất chính từ 500.000.000 đồng đến dưới 1.500.000.000 đồng hoặc gây thiệt hại cho các nhà đầu tư từ 1.000.000.000 đồng đến dưới 3.000.000.000 đồng thì sẽ bị phạt tiền từ 500.000.000 – 2.000.000.000 đồng hoặc phạt tù từ 6 tháng đến 3 năm.
- Hành vi thu lợi bất chính từ 1.500.000.000 đồng trở lên hoặc gây thiệt hại cho nhà đầu tư từ 3.000.000.000 đồng trở lên thì sẽ bị phạt tiền từ 2.000.000.000 – 4.000.000.000 đồng hoặc phạt tù từ 2 năm đến 7 năm.
b. Đối với tổ chức
Tổ chức phạm tội có thể bị phạt tiền từ 500.000.000 đồng đến 2.000.000.000 đồng, cấm kinh doanh, cấm huy động vốn và cấm hoạt động trong một số lĩnh vực nhất định từ 1 – 3 năm. Ngoài ra:
- Phạt tiền từ 2.000.000.000 đồng đến 5.000.000.000 đồng khi phạm tội thuộc khoản 1 Điều 211 của Bộ luật Hình sự.
- Phạt tiền từ 5.000.000.000 đồng đến 10.000.000.000 đồng khi phạm tội thuộc khoản 1 Điều 211 của Bộ luật Hình sự.
- Đình chỉ hoạt động vĩnh viễn khi phạm tội thuộc khoản 3 Điều 211 của Bộ luật Hình sự.
Lịch sử các vụ thao túng thị trường chứng khoán đình đám tại Việt Nam
Trong quá khứ đã từng diễn ra nhiều vụ việc thao túng, gây ảnh hưởng đến sự ổn định và phát triển của thị trường chứng khoán tại Việt Nam. Tiêu biểu trong số đó có thể kể đến như:
1. Vụ thao túng giá cổ phiếu KSA
Vụ thao túng giá cổ phiếu KSA của Công ty Cổ phần Công nghiệp và Khoáng sản Bình Thuận được xem là một trong những vụ việc nghiêm trọng nhất trong lịch sử chứng khoán Việt Nam. Cuối năm 2014, Công ty Cổ phần Công nghiệp và Khoáng sản Bình Thuận đã phát hành thêm 56,5 triệu cổ phiếu để tăng vốn. Tuy nhiên, sau khi phát hành, giá cổ phiếu KSA giảm mạnh, tính thanh khoản thấp. Lúc này, nhằm “thổi phồng” giá của KSA, bà Phạm Thị Hinh đã chỉ đạo các đồng phạm lập 69 tài khoản để thực hiện nhiều giao dịch chứng khoán ảo, thu hút nhà đầu tư, tạo ra đà tăng giá giả.
Hậu quả của sự việc này khiến cho 1.496 nhà đầu tư bị thiệt hại hơn 8 tỷ đồng. Ngoài ra, 3 công ty chứng khoán bao gồm Công ty Cổ Phần Chứng khoán Mirae Asset, Công ty Cổ phần Chứng khoán Phú Hưng và Công ty Cổ phần Chứng khoán Dầu Khí cũng bị thiệt hại 761 triệu đồng khi cho các tài khoản giao dịch chéo này vay margin.
Vào tháng 8 năm 2020, tòa án đã xét xử vụ việc thao túng thị trường chứng khoán của một nhóm nhà đầu tư bao gồm Phạm Thị Hinh, Nguyễn Hồng Ngọc, Nguyễn Tuấn Anh, và Nguyễn Trọng Hùng. Theo xét xử, bị cáo Phạm Thị Hinh bị phát 18 tháng tù vì tội danh thao túng thị trường chứng khoán và phải bồi thường thiệt hại cho các nhà đầu tư. 3 đồng phạm của bà Hinh, mỗi người nhận án phạt 15 tháng tù treo với thời gian thử thách là 30 tháng.
2. Vụ thao túng giá cổ phiếu CDO
Vụ thao túng giá cổ phiếu CDO của Công ty Cổ phần Tư vấn Thiết kế và Phát triển Đô thị là một trong những vụ việc nghiệm trọng nhất trong những năm gần đây. Cụ thể, trong giai đoạn năm 2014 – 2015, Nguyễn Văn Giang được ủy thác quản lý 15 triệu cổ phiếu CDO của Công ty Cổ phần Tư vấn Thiết kế và Phát triển Đô thị. Sau khi được Sở Giao dịch Chứng khoán Thành phố Hồ Chí Minh chấp thuận niêm yết, Giang đã chỉ đạo cấp dưới lập 70 tài khoản tại 24 công ty chứng khoán khác nhau và xin cấp margin, bảo lãnh chậm nộp tiền để mua đi bán lại cổ phiếu CDO nhằm tạo tính thanh khoản giả. Với hành vi thao túng của Giang, cổ phiếu CDO đã tăng giá liên tục trong 2 năm từ 15.000 đồng/cổ phiếu lên đến 39.600 đồng/cổ phiếu. Tuy nhiên sau đó, từ ngày mùng 6 tháng 12 năm 2016, cổ phiếu CDO liên tục bị bán tháo liên tục trong 26 phiên và chạm đáy ở mốc 3.100 đông/cổ phiếu vào ngày 23 tháng 1 năm 2017.
Hậu quả để lại khiến cho 572 nhà đầu tư bị thiệt hại với số tiền hơn 11 tỷ đồng. Ngoài ra, Nguyễn Văn Giang còn lợi dụng chức Giám đốc Công ty Chứng khoán Ngân hàng Đông Á để lừa đảo chiếm đoạt 24 tỷ đồng thông qua ký kết các hợp đồng đầu tư chứng khoán không có thật.
Trong 2 ngày 20 – 21/08/2020, tòa án nhân dân Thành phố Hà Nội đã mở phiên xét xử bị cáo Nguyễn Văn Giang – nguyên Giám đốc Công ty Chứng khoán Ngân hàng Đông Á tội lừa đảo chiếm đoạt tài sản và thao túng thị trường chứng khoán. Theo xét xử, tòa quyết định kết án bị cáo Nguyễn Văn Giang hình phạt 17 năm tù về tội lừa đảo chiếm đoạt tài sản và 3 năm tù tội thao túng thị trường chứng khoán. Tổng hình phạt cho Nguyễn Văn Giang là 20 năm tù giam.
3. Vụ thao túng giá cổ phiếu ASA
Vụ thao túng giá cổ phiếu ASA của Công ty Cổ phần ASA là một trong những vụ việc nổi tiểng trong vài năm gần đây. Theo kết quả điều tra vào ngày 24 tháng 1 năm 2022, ông Nguyễn Văn Nam – nguyên Giám đốc Công ty Cổ phần ASA đã có hành vi làm giả hồ sơ và tài liệu để tăng khống 7 triệu cổ phiếu ASA, tương đương với 70 tỷ đồng. Sau đó, ông Nam đã niêm yết bổ sung 7 triệu cổ phiếu ASA tại Sở Giao dịch Chứng khoán Hà Nội để bán nhằm thu lợi bất chính.
Cơ quan công an đã quyết định khởi tố vụ án hình sự, khám xét và bắt tạm giam ông Nguyễn Văn Nam để điều tra về các hành vi phạm tội. Hiện tại, vụ án vẫn đang được tiếp tục điều tra triệt để, mở rộng và áp dụng các biện pháp theo luật quy định để thu hồi tài sản.
4. Vụ thao túng giá cổ phiếu FLC
Vụ thao túng giá cổ phiếu FLC của Công ty Cổ phần Tập đoàn FLC là vụ việc nổi tiếng nhất trong những năm gần đây. Cụ thể, từ đầu tháng 12/2021 cho đến 10/01/2022, ông Trịnh Văn Quyết – chủ tịch của FLC được xác định là đã “bán chui” tổng cộng 74,8 triệu cổ phiếu. Điều đáng nói là sau đó, mặc dù tài khoản đã bị cấm giao dịch nhưng ông Quyết vẫn tiếp tục thực hiện các hành vi thao túng nhằm đẩy giá cổ phiếu của mình lên.

Kịch bản mà ông Quyết vẽ ra khá tinh vi, “thổi giá” cổ phiếu của tập đoàn mà mình sở hữu lên mức giá cao ngất ngưởng để “lùa gà” nhiều nhà đầu tư rồi “úp bô” họ, bán chui cổ phiếu mua được với giá rẻ để trục lợi bất chính. Ông Quyết đã thực hiện hành vi này bằng cách chỉ đạo người thân trong gia đình cùng với một số người khác điều hành Công ty Cổ phần Chứng khoán BOS và các công ty con rồi sử dụng khoảng 20 tài khoản chứng khoán của 11 tổ chức để thực hiện việc đẩy giá thông qua giao dịch chéo tạo cung – cầu giả. Kết quả là cổ phiếu FLC đang có giá hơn 14.000 đồng/cổ phiếu vào ngày 1/12/2021 liên tục tăng chạm mức 24.000 đồng/cổ phiếu. Sau khi chỉ đạo bán chui thành công 74,8 triệu cổ phiếu với mức giá trung bình là 22.500 đồng/cổ phiếu, ông Quyết thu về khoản lợi nhuận lên tới hơn 530 tỷ đồng.
Tuy nhiên, hành vi của ông Quyết bị phát hiện ngay sau đó, Ủy ban Chứng khoán Nhà nước đã hủy giao dịch toàn bộ số cổ phiếu này và lại hoàn tiền cho các nhà đầu tư là nạn nhận của vụ việc. Như đã đề cập ở trên, sau khi bị phát giác, ông Quyết lại tiếp tục các hành vi sai phạm của mình “thổi giá” cổ phiếu của FLC từ 12.000 đồng/cổ phiếu lên 14.500 đồng/cổ phiếu vào ngày 23 tháng 3 năm 2022. Do đó, vào ngày 29 tháng 3, Bộ Công an đã ra quyết định khởi tố vụ án của ông Quyết để tiếp tục điều tra, làm rõ các vấn đề liên quan và áp dụng xử phạt theo quy định.
5. Vụ thao túng giá cổ phiếu thuộc “hệ sinh thái” Louis Holdings
Vụ thao túng giá cổ phiếu thuộc “hệ sinh thái” Louis Holdings rất đáng chú ý trong một vài năm gần đây. Cụ thể, ông Nguyễn Thành Nhân – Chủ tịch Hội đồng quản trị Công ty Cổ phần Louis Holdings cùng các đồng phạm là Đỗ Đức Nam (giám đốc Công ty Chứng khoán Trí Việt), Trịnh Thị Thùy Linh và Lê Thị Thùy Tiên đã thâu tóm những mã cổ phiếu “rác” đang được niêm yết trên sàn giao dịch chứng khoán để chi phối tạo thành hệ sinh thái thuộc quyền kiểm soát của mình. Sau đó, 4 bị cáo đã thực hiện tạo thanh khoản giả bằng cách mua bán chéo các mã “rác” (trong đó có mã BII và TGG) mà mình đã thâu tóm cùng với AGM (Công ty Xuất nhập khẩu An Giang), SMT (Công ty Cổ phần SAMETEL), VKC (Công ty Cổ phần Cáp nhựa Vĩnh Khánh), DDV (Công ty Cổ phần DAP-VINACHEM, APG (Công ty Cổ phần Chứng khoán APG), LDP (Công ty Cổ phần Dược Lâm Đồng) thuộc “hệ sinh thái” của Louis Holdings.
Kết quả của hành vi thao túng thị trường của ông Nhân đã thu về 153,8 tỷ đồng, trong đó hơn 63 tỷ đồng với mã BII và 90,7 tỷ đồng với mã TGG. Hiện Cơ quan Cảnh sát điều tra Bộ Công an đang mở rộng điều tra, truy tìm chứng cứ phạm tôi của các bị can để thu hồi tài sản và hoàn trả cho các nhà đầu tư.
Tóm lại, hành vi thao túng thị trường là việc làm trái pháp luật, gây thiệt hại nặng nề cho các nhà đầu tư và nền kinh tế nói chung. Vì vậy, bât cứ một ai thực hiện hành vi này sẽ bị xử phạt theo quy định của pháp luật nhằm răn đe và cũng là lời cảnh tỉnh cho các nhà đầu tư khác.
Tác giả: Nguyễn Công Phúc