Thuật ngữ tiền ảo trong những năm gần đây đã có nhiều sự thay đổi khiến nhiều người nhầm lẫn chúng với các loại tiền số khác. Vì vậy, bài viết này sẽ giải thích chi tiết để bạn nắm rõ tiền ảo có phải là tài sản được sử dụng trong giao dịch hay không nhé!
Tiền ảo là gì?
Tiền ảo (virtual money hoặc virtual currency) là một thuật ngữ ám chỉ loại tiền số không pháp định, không được kiểm sát và phát hành bởi Nhà nước mà được chấp nhận sử dụng giữa các thành viên của một cộng đồng ảo cụ thể.
Tiền ảo có thể là vật phẩm hoặc giá trị được tính như tiền trong các game, ứng dụng phát hành bởi một công ty, tổ chức thì được gọi là tiền ảo đóng. Còn đối với loại tiền ảo được bảo mật bằng kỹ thuật mã hóa dựa trên nền tảng công nghệ blockchain thì được gọi là tiền mã hóa.
Nguồn gốc của thuật ngữ “tiền ảo”
Thuật ngữ “tiền ảo” đã xuất hiện từ rất lâu, nhưng không rõ chính xác là thời điểm nào. Thuật ngữ này có thể đã phổ biến từ khi các game online nạp thẻ mua vật phẩm được ra mắt tại Việt Nam.
Vào năm 2018, Nghị viện và Hội đồng Châu Âu đã định nghĩa tiền ảo để phân loại với tiền tệ pháp định như sau:
Một đại diện kỹ thuật số về giá trị không được phát hành hoặc bảo đảm bởi ngân hàng trung ương hoặc cơ quan công quyền, không nhất thiết phải gắn với một loại tiền tệ được thành lập hợp pháp và không có tư cách pháp lý của tiền tệ hoặc tiền, nhưng được các thể nhân hoặc pháp nhân chấp nhận như một phương tiện trao đổi và có thể được chuyển giao, lưu trữ và giao dịch điện tử.
Phân loại tiền ảo
Tiền ảo hiện nay được chia thành 2 loại chính như sau:
1. Tiền mã hóa
Tiền mã hóa (cryptocurrency) là tiền điện tử được bảo mật bằng kỹ thuật mã hóa nhằm giúp các giao dịch được diễn ra một cách an toàn. Tiền mã hóa được hỗ trợ bởi một công nghệ được gọi là blockchain, giúp duy trì những hồ sơ giao dịch chống giả mạo và theo dõi tài sản của người dùng.

Tiền mã hóa được phát hành bởi tổ chức hoặc cá nhân tương tự như các loại tiền ảo. Tuy nhiên, họ không kiểm soát toàn bộ lượng tiền mã hóa này mà nó được quản lý bởi chính cộng đồng sử dụng nó. Bên cạnh đó, tiền mã hóa hoàn toàn có thể được chuyển đổi sang các dạng tiền pháp định, một số loại được thiết kế trở thành đơn vị tiền tệ trung gian thực hiện các giao dịch tài chính khác (phức tạp hơn).
2. Tiền ảo “đóng”
Tiền ảo đóng là loại đơn vị tiền tệ hoạt động trong một hệ sinh thái được kiểm soát và riêng tư (thường được dùng phổ biến trong các game trực tuyến). Tiền ảo đóng chỉ được làm phương tiện thanh toán trong một môi trường khép kín mà cộng đồng ảo đó sử dụng. Loại tiền ảo này do đơn vị phát hành toàn quyền kiểm soát nên thường giao dịch 1 chiều theo phương thức nạp tiền hoặc nạp thẻ. Chỉ một cộng đồng sử dụng loại giá trị tiền này nên rất khó hoặc hạn chế quy đổi ngược lại thành tiền thật.
Tiền ảo tại Việt Nam có hợp pháp không?
Tính đến tháng 4 năm 2021. Việt Nam ghi nhận hiện đang có hơn 20 loại tiền ảo (bao gồm cả tiềm mã hóa) phổ biến được đông đảo người tham gia. Do nhầm lẫn giữa tiền ảo và tiền mã hóa cho nên rất nhiều người đã mất hàng tỉ đồng vào các sàn giao dịch như: Binary Option, Wefinex, Raidenbo, Bitono, Pocinex, Deniex, GardenBO,… Vào tháng 8 năm 2021, Bộ Công an Việt Nam đã cảnh báo các sàn tiền ảo này thực chất là hình thức kinh doanh đa cấp, lừa đảo người chơi với các giao dịch quyền chọn nhị phân mạo danh các dự án tiền mã hóa.

Tiền ảo ở Việt Nam vẫn chưa được công nhận là một loại tài sản hay một đơn vị giá trị để thanh toán hoặc giao dịch hợp pháp. Mặc dù vậy, các hoạt động liên quan đến trao đổi hoặc giao dịch tiền ảo không hề bị ngăn cấm. Nhưng mọi rủi ro, tranh chấp liên quan đến tiền ảo đều sẽ không được Pháp luật Việt Nam bảo vệ.
Đến đây, chắc bạn cũng đã nắm rõ tiền ảo dùng để làm gì. Hy vọng bài viết này hữu ích giúp bạn mở mang thêm kiến thức về thị trường tiền điện tử. Nếu bạn có những đóng góp ý kiến khác thì hãy comment cho mình và mọi người cùng biết nhé!
Tác giả: Nguyễn Công Phúc