Mặc dù xuất hiện đã lâu nhưng thế kỷ 21 mới thực sự là thời gian bùng nổ của tiền điện tử. Hiện tại, tiền điện tử đang trở thành đề tài thu hút đông đảo sự chú ý của mọi người, thị trường crypto Việt Nam đang hoạt động sôi nổi hơn bao giờ hết. Tuy nhiên, có rất nhiều bạn vẫn chưa nắm được thế nào là tiền điện tử. Để tìm hiểu về các đồng tiền điện tử – tiền kỹ thuật số, bài viết này sẽ giải đáp chi tiết cho bạn.
Tiền điện tử là gì?
Tiền điện tử (electronic money viết tắt là e-money) còn được gọi với một cái tên khác là tiền kỹ thuật số (digital currency hoặc digital money), một đơn vị tiền tệ vận hành dựa trên các thuật toán điện tử và được lưu trữ trên Internet, smartphone, hệ thống máy tính hay các thẻ thanh toán điện tử.
Trên thực tế, tiền điện tử có tác dụng cho phép các giao dịch tức thời được thực hiện một cách liền mạch. Loại tiền điện tử được ban hành bởi Chính phủ được gọi với cái tên là tiền số pháp định. Còn loại tiền không pháp định thì được gọi đơn giản là tiền ảo, trong đó có cả tiền mã hoá.
Từ những đặc điểm kể trên, Ngân hàng Trung ương châu Âu (ECB) đã định nghĩa tiền điện tử như sau:
Tiền điện tử là giá trị tiền tệ được lưu trữ trên một thiết bị điện tử được sử dụng phổ biến để thực hiện giao dịch thanh toán cho các tổ chức khác không phải là tổ chức phát hành.
Trong khi đó, Ngân hàng Thanh toán Quốc tế (BIS) lại nói về tiền điện tử rằng:
Tiền điện tử là giá trị được lưu trữ hoặc sản phẩm trả trước, trong đó thông tin về khoản tiền hoặc giá trị khả dụng của khách hàng được lưu trữ trên một thiết bị điện tử thuộc sở hữu của khách hàng.
Sự ra đời của tiền điện tử
Có thể nói, ý tưởng về tiền điện tử đã bắt đầu xuất hiện từ năm 1983 trong một bài nghiên cứu của nhà khoa học máy tính người Mỹ – David Chaum. Sau đó, vào năm 1990, ông đã thành lập nên công ty điện tử DigiCash với trụ sở chính được đặt tại thủ đô Amsterdam, Hà Lan nhằm mục đích thương mại hoá các ý tưởng trong nghiên cứu của mình. Đến năm 1998, công ty của David Chaum chính thức tuyên bố phá sản.
Vào những năm 90, dự án E-Gold tại xứ cờ hoa đã gây được tiếng vang lớn. Độ phổ biến của E-Gold tăng cao tới mức mỗi tháng hệ thống này xử lý tổng khối lượng giao dịch lên tới hàng tỷ USD.
Tuy nhiên, do còn nhiều hạn chế về mặt bảo mật, E-Gold đã nằm trong “tầm ngắm” và bị tấn công bởi các hacker lúc bấy giờ. Đồng thời, do bị sử dụng với mục đích xấu nên từ năm 2000 trở đi, hệ thống này bắt đầu suy sụp và chính thức bị khai tử vào năm 2009.

Trước đó vào năm 2008, một lập trình viên (hoặc một nhóm lập trình viên) có tên là Satoshi Nakamoto đã xuất bản một bài báo có mô tả về các loại tiền điện tử. Sau đó, vào năm 2009, Satoshi Nakamoto đã đưa Bitcoin – loại tiền điện tử được sử dụng rộng rãi nhất hiện nay chính thức ra mắt công chúng.
Sau khi Bitcoin được ra mắt, trong giai đoạn từ năm 2009 đến năm 2010 đã có đến gần 100 loại tiền kỹ thuật số khác lần lượt ra đời. Tính đến năm 2020, thế giới đã có tổng cộng tất cả hơn 5.400 loại tiền điện tử khác nhau.
Các hình thức của tiền điện tử
Như đã đề cập ở trên, tiền điện tử được phân ra thành 2 loại chính. Đó là tiền số pháp định và tiền số không pháp định (hay còn gọi là tiền ảo).
1. Tiền số pháp định
Tiền số pháp định được coi là một dạng số hoá của tiền pháp định được ban hành bởi Chính phủ để có thể dễ dàng trao đổi, mua bán thông qua Internet.
2. Tiền ảo
Tiền ảo (hoặc tiền số không pháp định) là loại tiền không được kiểm soát và không được phát hành bởi Chính phủ. Thay vào đó, loại tiền này được phát hành, quản lý và kiểm soát bởi các nhà phát hành, phát triển tư nhân hay tổ chức sáng lập. Tiền số không pháp định được chấp nhận sử dụng và lưu hành giữa các thành viên thuộc cùng một cộng đồng ảo.
Với đặc trưng này, vào năm 2014, Ngân hàng Trung ương châu Âu (ECB) đã đưa ra định nghĩa cụ thể về tiền ảo, đó là:
Tiền số không pháp định là đại diện kỹ thuật số của giá trị không phải do Ngân hàng Trung ương hoặc cơ quan công quyền phát hành, cũng không nhất thiết phải gắn với tiền định danh (tiền tệ fiat), nhưng được các thể nhân hoặc pháp nhân chấp nhận như một phương tiện thanh toán và có thể được chuyển nhượng, lưu trữ hoặc giao dịch điện tử.
Thực tế, tiền ảo chỉ có sẵn ở một dạng duy nhất – dạng điện tử, tiền được lưu trữ và giao dịch thông qua các phần mềm chỉ định, ứng dụng trên điện thoại di động, máy tính, các loại ví điện tử chuyên dụng hoặc các giao dịch diễn ra trên Internet thông qua các đường mạng chuyên dụng, an toàn.
Tiền mã hóa (cryptocurrency)
Trong các loại tiền ảo, nổi bật nhất có thể kể đến chính là tiền mã hoá. Tiền mã hoá là một tập hợp con của tiền ảo, là loại tài sản kỹ thuật số được thiết kế với vai trò như một nhân tố trao đổi trung gian, sử dụng mật mã nhằm đảm bảo các giao dịch diễn ra an toàn, đồng thời kiểm soát việc hình thành các đơn vị bổ sung và xác minh việc chuyển giao tài sản.

Tiền mã hoá sở hữu một tính năng đặc biệt, hấp dẫn đông đảo người sử dụng, đó chính là bản chất phi tập trung. Do không được ban hành bởi Ngân hàng Trung ương hay bất cứ tổ chức nào nên về mặt lý thuyết, tiền mã hoá hoàn toàn nằm ngoài sự kiểm soát và thao túng của Chính phủ.
Bitcoin chính là đồng tiền mã hoá xuất hiện đầu tiên trên thế giới vào năm 2008. Cho đến thời điểm hiện tại, đây cũng chính là loại tiền mã hoá được sử dụng rộng rãi và có giá trị cao nhất. Ngày nay, thế giới có hàng ngàn loại tiền mã hoá với nhiều chức năng và các thông số kỹ thuật khác nhau.
Quy định của pháp luật về tiền điện tử ở Việt Nam hiện nay
Tại Việt Nam hiện nay, tính hợp pháp của tiền mã hoá vẫn đang còn là vấn đề cần được cân nhắc và suy xét kỹ càng. Tiền mã hoá ở Việt Nam đang lưu hành trên các phương tiện điện tử, được quy định tại văn bản pháp luật dưới tên gọi là ví điện tử, thẻ trả trước và ví di động. Trong đó, ví điện tử sẽ do Ngân hàng Nhà nước hoặc các tổ chức dịch vụ trung gian thanh toán cung ứng, còn thẻ trả trước sẽ do Ngân hàng Nhà nước cung ứng.
Mục đích của việc đề ra các quy định về tiền mã hoá là nhằm phát triển các dịch vụ thanh toán được cung cấp dưới dạng tiền điện tử, tạo điều kiện thuận lợi để ngành thương mại điện tử có cơ hội được phát triển, loại trừ các loại đồng tiền tiền ảo, các loại công cụ được sử dụng như phương tiện thanh toán mà không chịu sự kiểm soát của các cơ quan có thẩm quyền.
Theo Bộ luật Dân sự năm 2015, tiền mã hoá không phải là một dạng tài sản. Và theo quy định của Pháp luật Tín dụng – Ngân hàng, tiền mã hoá cũng không phải là một loại tiền, đồng thời cũng không được coi là một phương tiện thanh toán hợp pháp tại Việt Nam.
Theo thông báo của Ngân hàng Nhà nước Việt Nam, tính từ ngày mùng 1 tháng 1 năm 2018, việc phát hành, cung ứng hay sử dụng Bitcoin hoặc các loại tiền mã hoá khác với vai trò như một phương tiện thanh toán được coi là không hợp pháp và bị cấm tại Việt Nam.
Cũng kể từ ngày 01/01/2018, nếu cố tình phát hành, cung ứng hay sử dụng các phương tiện thanh toán tiền điện tử không hợp pháp (đã bao gồm cả Bitcoin cùng các loại tiền mã hóa tương tự khác) có thể sẽ bị truy cứu trách nhiệm hình sự theo quy định tại Điểm H, Khoản 01, Điều 206 Bộ luật Dân sự năm 2015 (được sửa đổi và bổ sung năm 2017).
Ngoài ra, việc phát sinh giao dịch liên quan đến tiền mã hoá với mục đích rửa tiền còn phải chịu trách nhiệm hình sự với “tội rửa tiền” được quy định tại Điều 324 Bộ luật Hình sự năm 2015 (được sửa đổi và bổ sung năm 2017). Tuy nhiên, trong các quy định kể trên không đề cập tới việc giao dịch Bitcoin trên các sàn thương mại quốc tế hay việc sở hữu tài sản Bitcoin đối với mỗi cá nhân, tổ chức.
Đến đây, chắc bạn cũng đã hiểu được tiền điện tử dùng để làm gì rồi, phải chứ? Mong rằng với bài viết này, mình có thể giúp các bạn có thêm kiến thức về tiền điện tử và tìm được hướng đi đúng đắn trước khi quyết định đầu tư.
Tác giả: Nguyễn Công Phúc