Trong bối cảnh thị trường ngày một biến động phức tạp và khó nắm bắt thì việc phân tích để đưa ra quyết định mua hay bán sao cho hợp lý trở nên khá khó khăn đối với các nhà đầu tư. Do đó, hình thức ủy thác đầu tư được sử dụng nhiều hơn, đem lại hiệu quả tốt và giảm thiểu các rủi ro. Trong bài viết này, hãy cùng mình tìm hiểu chi tiết về hình thức ủy thác đầu tư này nhé!
Ủy thác đầu tư là gì?

Ủy thác đầu tư (investment trust) là hình thức giao phó tiền bạc cho một quỹ đầu tư và ủy quyền cho họ dùng để đem đi đầu tư sinh lời. Về khả năng sinh lời, bên ủy thác sẽ nhận được lợi nhuận thông qua kết quả từ việc đầu tư của bên nhận ủy thác mà không cần trực tiếp tham gia vào quá trình này, việc phân chia lợi nhuận sẽ được ghi rõ trong hợp đồng ký kết giữa 2 bên. Khi hợp đồng ủy thác đầu tư được ký kết, bên nhận ủy thác sẽ sử dụng tiền của bên ủy thác mang đi đầu tư vào các danh mục tài chính, số tiền này được gọi là quỹ đầu tư ủy thác, trong đó:
- Bên ủy thác có trách nhiệm: giao tiền và quyền giao dịch tài sản của mình cho bên nhận ủy thác.
- Bên nhận ủy thác có nghĩa vụ: quản lý và sử dụng tài sản được bàn giao một cách hiệu quả nhất để sinh lời cho bên ủy thác theo quy định ghi trong hợp đồng.
Các hình thức ủy thác đầu tư
Phân loại hình thức ủy thác đầu tư dựa vào quyền và nghĩa vụ của các bên cùng với mức độ rủi ro đến từ hợp đồng như sau:
- Bên nhận ủy thác có trách nhiệm chia sẻ rủi ro: hình thức này thường xảy ra với các danh mục đầu tư có tiềm năng đem lại lợi nhuận lớn nhưng đi kèm với đó là rủi ro tiềm ẩn cao. Bên nhận ủy thác sẽ chia sẻ rủi ro nếu xảy ra phát sinh thất thoát tiền bạc của bên ủy thác.
- Bên nhận ủy thác không chịu trách nhiệm với rủi ro: với hình thức này, nhà đầu tư sẽ phải chịu toàn bộ thiệt hại nếu bên nhận ủy thác đầu tư không hiệu quả. Tưc là nếu có bất kỳ rủi ro nào xảy ra thì bên nhận ủy thác sẽ không chịu trách nhiệm với tổn thất của khách hàng. Có thể coi đây là hình thức đầu tư tương đối mạo hiểm.
- Bên nhận uy thác trả lợi tức cố định: hình thức này sẽ phù hợp với những ai muốn đầu tư an toàn, ổn định thay vì mạo hiểm với rủi ro cao. Quỹ đầu tư sẽ được phân bổ tập trung vào các sản phẩm chứng khoán ít biến động, rủi ro thấp để đảm bảo an toàn cho số vốn của bên ủy thác. Lợi nhuận định kỳ mà bên ủy thác nhận được là số cổ tức tương ứng với số vốn đã bàn giao ban đầu.
Đặc điểm của việc ủy thác đầu tư
Ủy thác là một hình thức đầu tư mang đến những ưu điểm và nhược điểm riêng.
1. Ưu điểm
Ủy thác đầu tư có những ưu điểm sau:
- Lợi nhuận ổn định: ủy thác đầu tư phù hợp với những người không có nhiều kinh nghiệm hoặc có “khẩu vị rủi ro” an toàn vì lợi nhuận từ hình thức này sẽ ít biến động hơn so với tự đầu tư.
- Đa dạng danh mục đầu tư: số vốn nhà đầu tư bỏ ra sẽ được các chuyên gia, tổ chức quản lý quỹ cân đối và phân bổ vào nhiều danh mục để tối ưu hóa hiệu quả đầu tư.
- Dễ dàng tiếp cận: ủy thác đầu tư cho phép những người không có nhiều thời gian hoặc kiến thức chuyên môn cũng có thể tham gia vào thị trường. Ngoài ra, thủ tục để ủy thác đầu tư cũng không quá phức tạp và được đảm bảo bởi các tổ chức uy tín nên nhà đầu tư có thể an tâm về hình thức này.
- Tăng hiệu quả sử dụng vốn cho doanh nghiệp: nếu bên ủy thác đầu tư là một doanh nghiệp cụ thể thì điều này sẽ giúp số vốn huy động được sử dụng một cách hiệu quả hơn.
- Khả năng sinh lời cao hơn gửi tiết kiệm: lợi nhuận từ lãi suất ngân hàng là cố định cùng với lạm phát hàng năm sẽ khiến cho giá trị tiền gửi thu được không cao, trong khi lợi nhuận từ ủy thác đầu tư hoàn toàn có thể tăng trưởng theo biến động thị trường.
2. Nhược điểm
Ủy thác đầu tư có những nhược điểm sau:
- Rủi ro trong việc lựa chọn bên nhận ủy thác: để thu được lợi nhuận như mong đợi, nhà đầu tư cần tìm kiếm được bên nhận ủy thác có nhiều kinh nghiệm, tiềm lực tài chính mạnh và độ uy tín cao. Song, vẫn có khả năng nhà đầu tư lựa chọn phải những cá nhân hoặc tổ chức có kinh nghiệm quản lý quỹ còn non trẻ dẫn đến kết quả đầu tư không đạt kỳ vọng hoặc thậm chí là thua lỗ.
- Mất nhiều thời gian để thu được lợi nhuận: vì là hình thức đầu tư gián tiếp và ít rủi ro nên để thu được khoản lợi nhuận đáng kể thì nhà đầu tư cần mất khá nhiều thời gian để chờ đợi. Điều này không phù hợp với những khoản tiền nhàn rỗi hạn chế và muốn thu hồi vốn nhanh.
- Không có quyền kiểm soát hoặc quyết định đầu tư: sau khi thực hiện ủy thác, nhà đầu tư không có quyền can thiệp hay ra quyết định với số vốn đã bàn giao cho bên nhận ủy thác. Mọi hoạt động lựa chọn danh mục và đầu tư như thế nào đều do bên nhận ủy thác toàn quyền quyết định. Vì vậy, bạn cần cân nhắc thật kỹ trước khi giao tiền cho bất kỳ cá nhân hoặc tổ chức nào.
- Khả năng lợi tức bị giảm: không chỉ có vốn của các nhà đầu tư nhàn rỗi góp vào mà các quỹ đầu tư của doanh nghiệp còn đi vay từ những tổ chức khác để tăng vốn đầu tư. Điều này dẫn đến việc lợi nhuận từ quỹ phải chi trả cho khoản vay của doanh nghiệp, khiến cho lợi tức chia cho nhà đầu tư bị giảm.
Các bên tham gia vào đầu tư ủy thác

Hoạt động ủy thác cần có sự tham gia của bên ủy thác và bên nhận ủy thác.
1. Bên ủy thác (giao tiền)
Bên ủy thác là những chủ thể muốn ủy quyền vốn đầu tư cho một chủ thể khác. Bên ủy thác có quyền và nghĩa vụ sau:
- Quyền:
- Yêu cầu bên nhận ủy thác cung cấp hồ sơ, tài liệu và giấy tờ chứng minh hoạt động quỹ đầu tư ủy thác được phép thực hiện theo quy định của pháp luật.
- Yêu cầu bên nhận ủy thác cung cấp báo cáo, thông tin về tình hình và kết quả hoạt động của quỹ đầu tư.
- Nghĩa vụ: bàn giao tiền cho bên nhận ủy thác theo hợp đồng.
2. Bên nhận ủy thác (nhận tiền)
Bên nhận ủy thác thường là các chuyên gia trong lĩnh vực tài chính đã có kinh nghiệm trong việc quản lý quỹ và sử dụng vốn. Bên nhận ủy thác có quyền và nghĩa vụ sau:
- Quyền:
- Từ chối các yêu cầu liên quan đến phạm vi và nội dung ủy thác không phù hợp theo quy định của pháp luật.
- Từ chối các khoản tiền không rõ nguồn gốc từ bên ủy thác.
- Nhận phí ủy thác hoặc lợi nhuận từ hoạt động đầu tư theo điều lệ trong hợp đồng.
- Nghĩa vụ:
- Quản lý tiền và đầu tư sao cho có thể đem lại lợi nhuận cao nhất cho bên ủy thác.
- Cung cấp báo cáo tình hình đầu tư cho bên uy thác.
Cá nhân có được nhận ủy thác đầu tư không?
Theo Khoản 2 Điều 54 của Luật các tổ chức tín dụng 2010 số 47/2010/QH12:
Cổ đông nhận ủy thác đầu tư cho tổ chức, cá nhân khác phải cung cấp cho tổ chức tín dụng thông tin về chủ sở hữu thực sự của số cổ phần mà mình nhận ủy thác đầu tư trong tổ chức tín dụng. Tổ chức tín dụng có quyền đình chỉ quyền cổ đông của các cổ đông này trong trường hợp phát hiện họ không cung cấp thông tin xác thực về chủ sở hữu thực sự các cổ phần.
Theo đó, những cá nhân đủ điều kiện nhận ủy thác đầu tư phải là các cổ đông đứng ra đại diện cho một công ty cổ phần. Những cá nhân thông thường khác không được phép nhận ủy thác đầu tư.
Ngoài ra căn cứ vào Khoản 4 Điều 9 Thông tư 30/2014/TT-NHNN quy định, các tổ chức tín dụng (trừ công ty tài chính), các chi nhánh ngân hàng nước ngoài không được quyền ủy thác và nhận ủy thác đầu tư vào sản xuất, kinh doanh tại Việt Nam.
Trên đây là tổng hợp những thông tin chi tiết về hình thức ủy thác đầu tư. Hy vọng bài viết này giúp ích cho bạn, chúc bạn thành công!
Tác giả: Nguyễn Công Phúc & Phan Khánh Linh